Giải phóng mặt bằng 24 dự án trọng điểm ở thành phố Điện Biên Phủ

15:32' - 28/11/2023
BNEWS Ông Nguyễn Thái Bình - Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông Điện Biên cho biết, hiện tại, Ban đã tiếp nhận bàn giao một số diện tích mặt bằng cho các đơn vị để triển khai thi công.

Thành phố Ðiện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đang thực hiện giải phóng mặt bằng 24 dự án trọng điểm; trong đó 8 dự án do UBND thành phố Ðiện Biên Phủ làm chủ đầu tư và 16 dự án của tỉnh Điện Biên triển khai trên địa bàn thành phố với tổng diện tích 116 ha. Trước áp lực về tiến độ và khối lượng công việc nhiều, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm từng bước tháo gỡ tồn tại, vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

 

Trước việc một số dự án bị chậm tiến độ, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân chính là do chưa giải phóng được mặt bằng. Theo ông Hoàng Hữu Côn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, do lịch sử quản lý đất đai của địa phương còn nhiều hạn chế nên kéo theo vướng mắc trong xác minh nguồn gốc đất; chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng giữa các dự án trên cùng địa bàn thiếu đồng nhất, khiến một bộ phận người dân so bì, không đồng thuận. Hiện năng lực chuyên môn, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức cũng hạn chế, không thường xuyên được tập huấn bồi dưỡng trình độ chuyên môn trong khi chế độ, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng liên tục thay đổi…

Từ việc thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá thực chất nguyên nhân vướng mắc, thành phố Điện Biên Phủ đã tập trung rà soát, điều chỉnh phương pháp tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Xác định nhân tố con người là cơ bản, quyết định kết quả công việc nên cùng với việc tập huấn quy trình kiểm đếm, bồi thường giải phóng mặt bằng cho cán bộ chuyên môn, thành phố cũng tiến hành kiện toàn, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban chuyên môn theo hướng tăng cường nhân lực có chuyên môn về kỹ thuật, nông nghiệp, đất đai đảm đương nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức rà soát, hoàn thiện quy trình; xác định rõ trách nhiệm từng cấp (thành phố; phường, xã) và trách nhiệm cá nhân làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực hiện công việc được giao.

Cụ thể, ngày 5/10/2023, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Quang Hưng đã ký Quyết định 1592/QĐ-UBND thành lập 7 tổ công tác xác minh nguồn gốc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại 7 phường gồm: Mường Thanh, Thanh Trường, Nam Thanh, Thanh Bình, Him Lam, Noong Bua, Tân Thanh.

Theo Quyết định, mỗi tổ công tác gồm 10 thành viên là lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Quản lý đất đai, chủ tịch và cán bộ, công chức phường… phải thực hiện việc đôn đốc, hướng dẫn địa phương xác minh nguồn gốc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác minh tình trạng đất, hộ khẩu trên đất làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổ trưởng các tổ công tác chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về kết quả công việc của tổ, đồng thời phải đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại địa phương…

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ, cho biết, phương châm chỉ đạo của thành phố là "giải quyết dứt điểm từng dự án" theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể như: Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 (gọi tắt là dự án đường động lực); dự án xây dựng khu tái định cư và Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Ðiện Biên, dự án kè sông Nậm Rốm, chợ Mường Thanh, khu đô thị mới đường 60m…

Cùng đó, thành phố còn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, cấp bách của tỉnh triển khai trên địa bàn thành phố, như: dự án hạ tầng kỹ thuật khung; dự án phục vụ nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ và các dự án chỉnh trang đô thị chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ…

Hiện trên địa bàn phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ có 6 dự án đang triển khai gồm: Ðường động lực (183 hộ ảnh hưởng và diện tích đất thu hồi 19,5 ha); Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh (253 hộ và thu hồi 36,5 ha); mương tiêu thoát nước khu tái định cư, đoạn từ hồ điều hòa đến cầu D6C (45 hộ và thu hồi 3 ha); đường từ ngã tư bệnh viện tỉnh đến ngã tư Tà Lèng (101 hộ và thu hồi 6,7 ha); Trung tâm sản xuất truyền hình tỉnh Ðiện Biên (12 hộ và 0,83 m2); xây dựng khu, điểm tái định cư Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh (53 hộ và 10,5 ha). UBND phường đã thành lập các tổ công tác, tổ dân vận để tổ chức tuyên truyền, vận động hộ dân đồng thuận chủ trương của tỉnh, thành phố.

Là hộ bị thu hồi hơn 1.200 m2 đất, bao gồm đất thổ cư, đất vườn và ruộng để phục vụ dự án đường động lực, bà Đinh Thị Lai, 72 tuổi, ở Tổ 3, phường Noong Bua vui vẻ cho biết, ngay khi nhận được thông báo và dự các buổi họp dân, gia đình đã họp bàn và đồng tình ủng hộ với mong muốn thành phố ngày càng phát triển. Trước đây, gia đình đã bị thu hồi đất với tổng diện tích hơn 3.500 m2 để phục vụ 3 dự án triển khai trên địa bàn và lần nào cũng vui vẻ đồng thuận.

Tương tự, gia đình ông Tòng Thanh Long ở Tổ dân phố 4 Khe Chít, phường Noong Bua cũng nhiều lần bị thu hồi đất phục vụ các dự án trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 7.000 m2, bao gồm cả đất ở, đất vườn, ao cá, ruộng. Khi dự án đường động lực triển khai, gia đình ông cũng thuộc diện phải thu hồi đất với tổng diện tích khoảng 3.000 m2. Ban đầu, ông chưa đồng ý phương án áp giá đền bù với phần diện tích rừng sản xuất vì cho rằng đó là đất nương rẫy, do đó phải áp mức giá khác. Tuy nhiên, khi được cán bộ phường, thành phố giải thích và đưa ra những căn cứ về nguồn gốc đất, gia đình vui vẻ đồng ý và sớm chặt cây để bàn giao đất cho dự án.

Ông Nguyễn Ðình Tưởng, Chủ tịch UBND phường Noong Bua cho biết, liên quan đến giải phóng mặt bằng trên địa bàn, mỗi cán bộ, công chức phường và thành viên tổ công tác luôn xác định nỗ lực làm việc; thậm chí, hết giờ hành chính nhưng còn việc thì vẫn tiếp tục làm. Kể cả vào những ngày cuối tuần, cán bộ, công chức phường vẫn đến từng nhà dân giải thích chính sách, đồng thời tiếp nhận phản hồi, kiến nghị của người dân. Tuy khối lượng công việc nhiều, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, song mỗi cán bộ, công chức phường, thành phố đã quyết tâm thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Cũng nhờ quyết tâm giải phóng mặt bằng của UBND thành phố Điện Biên Phủ, sau gần một năm tạm dừng thi công vì thiếu mặt bằng thì vừa qua, Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng NQT Quảng Ninh đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng (hơn 1,8 ha) để triển khai xây dựng Chợ du lịch Mường Thanh - Điện Biên. Đây là dự án chợ thương mại, du lịch hạng I đầu tiên tại tỉnh với kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương kết hợp không gian mua sắm giải trí sầm uất, hiện đại; chợ du lịch Mường Thanh - Điện Biên được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn người dân địa phương và du khách.

Ông Nguyễn Thái Bình - Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông Điện Biên cho biết, hiện tại, Ban đã tiếp nhận bàn giao một số diện tích mặt bằng cho các đơn vị để triển khai thi công. Sự vào cuộc quyết liệt của thành phố Điện Biên Phủ trong giải phóng mặt bằng sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố cũng như với tỉnh Điện Biên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục