Giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công

16:53' - 27/05/2024
BNEWS Để giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao khi hết năm, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, tập trung xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công

 

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải và theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân, tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng…

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị ngay khi nhận được kế hoạch vốn được giao (điều chỉnh, bổ sung nếu có) cần gửi ngay đến Kho bạc Nhà nước để có cơ sở kiểm soát, thanh toán theo quy định. Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo ra tác động lan tỏa cho phát triển bền vững.

Do đó, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, ngành, địa phương; việc phân bổ chi tiết vốn cũng đã được triển khai từ rất sớm.Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng (bao gồm, vốn ngân sách trung ương là 225.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 432.349 tỷ đồng). Theo đó, ước tỷ lệ vốn đầu tư công thanh toán từ đầu năm hết tháng 4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (663.807 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 ước giải ngân được 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Có 7 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Nhưng vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

Tại Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ mới đây cho biết, nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp trong giải ngân vốn đầu tư công, nên nhiều dự án, công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng đúng kế hoạch, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo kết quả việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2023, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 (gồm tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm chi quản lý hành chính; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng…) là 83.087 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục