Giải quyết dứt điểm tiền đền bù giải phóng mặt bằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

13:46' - 11/10/2023
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng liên quan đến kiến nghị chi trả dứt điểm tiền đền bù cho người dân do thuộc diện giải tỏa để thực hiện cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có văn bản trả lời cử tri thành phố Đà Nẵng liên quan đến kiến nghị chi trả dứt điểm tiền đền bù cho người dân do thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo đó, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư, đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng dài 8km (từ Km0+000 đến Km8+000).

Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

 

Theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư, việc giải phóng mặt bằng được tách thành 3 tiểu dự án độc lập do các địa phương tổ chức thực hiện theo văn bản số 1665/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ.

Đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng (từ Km0+000 đến Km8+000) do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng; đảm bảo đủ kinh phí để địa phương chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ; chịu trách nhiệm quyết toán phần kinh phí xây lắp của dự án và tổng hợp kết quả quyết toán phần kinh phí giải phóng mặt bằng đã được địa phương thực hiện vào quyết toán chung của dự án.

Theo báo cáo của VEC (chủ đầu tư), tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ của dự án (tổng chi phí giải phóng mặt bằng) đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng được địa phương phê duyệt là 559,1 tỷ đồng.

Thống kê của Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, kinh phí chưa được bố trí vốn để chi trả bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng là hơn 36  tỷ đồng. Tổng kinh phí VEC đã chuyển cho địa phương là 663,034 tỷ đồng.

Theo quy định tại điểm 1.3 phần 5 Thông tư số 116/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: “Hộ gia đình, cá nhân được giao đất, mua nhà, thuê nhà tại nơi tải định cư phải nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà, tiền thuê nhà theo quy định của pháp luật và được trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ, nếu có chênh lệch thì thực hiện thanh toán bằng tiền phần chênh lệch đó theo quy định”.

Với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân phần vốn VEC chuyển cho địa phương để chị trả bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiếu hơn 36 tỷ đồng (như số liệu thống kê của Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang) là do địa phương chưa xét đến khoản tiền VEC tạm ứng cho địa phương để xây dựng các khu tái định cư (khoảng 140 tỷ đồng).

Khoản kinh phí này phải được địa phương khẩu trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ và được các hộ gia đình, cá nhân được giao đất, mua nhà tại nơi tái định cư của dự án thanh toán bằng tiền đối với phần chênh lệch theo quy định để hoàn trả.

Để giải quyết, chi trả dứt điểm tiền bồi thường, hỗ trợ còn lại cho người dân bị ảnh hưởng, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng có ý kiến để UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, sử dụng nguồn tiền thu được từ hộ gia đình, cá nhân được giao đất, mua nhà tại nơi tái định cư của dự án theo quy định để tiếp tục chi trả phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ còn lại cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời hoàn trả phần kinh phí do VEC đã chuyển vượt so với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được địa phương phê duyệt.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013 khánh thành toàn tuyến cuối năm 2018 đi qua địa phận các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng 7,9km, Quảng Nam 91,2km và Quảng Ngãi 40,1km. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204km; trong đó, tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 7,7km. 

Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,56 triệu USD (tương đương 16.799 tỷ đồng), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD (tương đương 12.419 tỷ đồng). Đồng thời, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 5.300 tỷ đồng. Tuyến chính cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe; tốc độ thiết kế 120km/h; bề rộng nền đường 24,25m./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục