Giải thưởng Oscar lần thứ 89 - Cuộc đua khốc liệt của những siêu phẩm

07:09' - 27/02/2017
BNEWS Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 nhằm tôn vinh những thành tựu xuất sắc nhất của ngành điện ảnh trong năm 2016 sẽ được truyền hình trực tiếp tại hơn 225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nhân viên gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ trao giải Oscar lần thứ 89 diễn ra tại Hollywood, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng 27/2 (theo giờ Việt Nam), tại Nhà hát Dolby (Hollywood) sẽ diễn ra lễ trao giải Oscar lần thứ 89 do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) tổ chức. Đây là sự kiện văn hóa được chờ đợi nhất trong năm của những người yêu điện ảnh trên thế giới.

Oscar 2017 - Cuộc đua khốc liệt

Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 nhằm tôn vinh những thành tựu xuất sắc nhất của ngành điện ảnh trong năm 2016 sẽ được truyền hình trực tiếp tại hơn 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người dẫn chương trình truyền hình Jimmy Kimmel lần đầu tiên chủ trì đêm trao giải.

Trước đó, từ ngày 5 đến 13-7-2016, 6.200 thành viên của AMPAS đã tham gia bỏ phiếu đề cử cho các hạng mục giải thưởng Oscar 2017. Danh sách đề cử ở 24 hạng mục đã được công bố trực tuyến ngày 24-1-2017 trên kênh Youtube và website chính thức Oscars.org. Cuộc đua giành giải Oscar năm nay được báo chí đánh giá là khốc liệt hơn bởi các ứng viên đều rất xứng đáng.

Trong hệ thống giải Oscar, giải cho Phim xuất sắc là hạng mục quan trọng nhất, được các thành viên của AMPAS đánh giá là xuất sắc nhất trong năm bầu chọn. Đây cũng là hạng mục duy nhất của giải Oscar mà tất cả các thành viên thuộc các nhánh khác nhau của AMPAS đều có quyền đề cử và bầu chọn.

Các thông tin bình luận về cuộc chạy đua giành giải thưởng ở hạng mục này đang nóng trên các phương tiện báo chí, nhất là khi các ứng viên nặng ký được công bố là: La La Land, Manchester by the Sea, Arrival, Fences, Hell or High Water, Loving và Moonlight.

Bộ phim “Manchester by the Sea” (Bờ biển Manchester) của đạo diễn Kenneth Lonergan đang dẫn đầu sự lựa chọn của công chúng. Nội dung phim là câu chuyện về một người chú (do Casey Affleck thủ vai) trở về nhà chăm sóc người cháu của mình sau khi cha mẹ cậu bé qua đời đã chiếm được cảm tình người xem vì quá xuất sắc.

Tài tử Casey Affleck còn nhận được nhiều lời khen ngợi về diễn xuất và liên tục được tôn vinh tại các giải thưởng tiền Oscar. Trên Rotten Tomatoes, nam diễn viên 41 tuổi và kịch bản cảm động của bộ phim đã chiếm 97% trong tổng số 104 bài khen ngợi.

Bộ phim ca nhạc La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) là bộ phim nhạc kịch lãng mạn xen lẫn chính kịch hài hước do Damien Chazelle biên soạn và đạo diễn. Bộ phim lấy bối cảnh đương đại, nhưng phong cách tạo hình lại mô phỏng thời kì hoàng kim của phim ca nhạc trong thập niên 1950, 1960.

Phim kể về cuộc tình của chàng nhạc sĩ nhạc Jazz và cô diễn viên trẻ đầy tham vọng, khi họ gặp gỡ và yêu nhau tại Los Angeles. Chuyện tình và mơ ước nghề nghiệp của họ vừa kịch tính vừa mơ mộng đã đưa đến đến một cái kết hạnh phúc.

Phim đã được công chiếu tại Liên hoan phim Venice ngày 31-8-2016, thu về 128 triệu đô-la Mỹ, so với kinh phí chỉ 30 triệu đô-la Mỹ. Không nằm ngoài mong đợi, La La Land đã có mặt ở 14 hạng mục giải thưởng.

Trong lịch sử điện ảnh thế giới mới chỉ có All About Eve (1950) và Titanic (1997) làm được điều tương tự. Thành công của La La Land minh chứng cho một điều rằng sức sáng tạo của các nhà làm phim Hollywood vẫn còn rất dữ dội và cuồng nhiệt, chưa hề giảm lửa.

Một tác phẩm sáng giá nữa là bộ phim “Fences” của đạo diễn Denzel Washington kể về một người Mỹ gốc Phi vừa đối mặt áp lực nuôi sống gia đình vừa phải đối phó những mối quan hệ về chủng tộc trong xã hội Mỹ những năm 1950. Không chỉ hay, “Fences” còn hứa hẹn sẽ mang đến cho đạo diễn Denzel Washington (kiêm vai chính) giải thưởng Oscar về vai diễn của ông.

Bên cạnh đó, Oscar 2017 còn có rất nhiều bộ phim xuất sắc với những câu chuyện truyền cảm hứng và gây chia rẽ khác về giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh này. Hai năm trước, Oscar từng bị chỉ trích là “quá trắng” và thậm chí còn bị các nghệ sĩ da màu lên tiếng đòi tẩy chay.

Tại mùa giải Oscar năm nay, AMPAS đã “sửa sai” khi có đến 7 diễn viên da màu có tên trong danh sách đề cử nam và nữ diễn viên chính, phụ xuất sắc nhất, trên tổng số 20 đề cử của 4 hạng mục quan trọng này.

Những đề cử quan trọng nhất của Giải thưởng Oscar lần thứ 89 gồm:

- Phim hay nhất: Arrival, Fences, Hacksaw Ridge, Hell or High Water, Hidden Figures, La La Land, Lion, Manchester by the Sea và Moonlight.

- Phim tiếng nước ngoài hay nhất: Land of Mine (Đan Mạch), A Man Called Ove (Thụy Điển), The Salesman (Iran), Tanna (Australia) và Toni Erdmann (Đức).

- Phim hoạt hình hay nhất: Kubo and the Two Strings, Moana, My Life as a Zucchini, The Red Turtle và Zootopia.

- Đạo diễn xuất sắc nhất: Denis Villeneuve (Arrival), Mel Gibson (Hacksaw Ridge), Damien Chazelle (La La Land), Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea) và Barry Jenkins (Moonlight).

- Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Isabelle Huppert (Elle), Ruth Negga (Loving), Emma Stone (La La Land), Natalie Portman (Jackie) và Meryl Streep (Florence Foster Jenkins).

- Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Casey Affleck (Manchester by the Sea), Andrew Garfield (Hacksaw Ridge), Ryan Gosling (La La Land), Viggo Mortensen (Captain Fantastic) và Denzel Washington (Fences).

Oscar - Giải thưởng danh giá nhất của nền điện ảnh thế giới

Giải Oscar - giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences-AMPAS), đã được trao hàng năm để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm về đạo diễn, diễn xuất, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác.

Từ năm 1928, vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Hai, những người yêu thích môn nghệ thuật “thứ bảy” trên khắp thế giới lại háo hức chờ đợi tin tức về giải thưởng danh giá này.

Các bức tượng Oscar đang gấp rút được hoàn thành. Ảnh: EPA/TTXVN

Phần thưởng của giải Oscar là một bức tượng nhỏ, gốc bằng kim loại đen được mạ vàng và britannium, cao 34 cm và nặng 3,85 kg. Bức tượng được điêu khắc theo phong cách Art Deco, có hình dáng của một hiệp sĩ cầm gươm và đứng trên một cuộn phim có năm cánh, tượng trưng cho 5 nhánh gốc của Viện Hàn lâm bao gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kỹ thuật viên.

Hàng năm, Công ty R.S. Owens sản xuất khoảng 50-60 bức tượng Oscar và phải trải qua quá trình kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt, các bức tượng lỗi trong quá trình sản xuất lập tức được cắt đôi và nung chảy.

Chịu trách nhiệm bầu chọn phim và trao giải Oscar là các thành viên của AMPAS, một tổ chức nghề nghiệp danh dự của những người làm điện ảnh Mỹ. Những người chấm giải cũng được lựa chọn qua một quá trình đề cử hoặc được xét dựa trên sự cống hiến của họ cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Việc đề cử các thành viên mới cho việc tuyển chọn được tiến hành hàng năm và được chia thành các nhánh khác nhau. Các thành viên thuộc các nhánh khác nhau sẽ bầu chọn ứng cử viên cho các hạng mục thuộc nhánh mình, riêng hạng mục Phim hay nhất (Best Picture) thì tất cả đều có quyền tham gia đề cử.

Một phim muốn đủ điều kiện tranh giải Oscar phải được trình chiếu trong năm trước đó, tức là từ nửa đêm ngày 1-1 đến nửa đêm ngày 31-12. Ngoài ra, các bộ phim dự giải phải là phim dài (feature-length), ngắn nhất cũng phải 40 phút, trừ các phim tham gia hạng mục phim ngắn, và phải sử dụng phim 35 mm hoặc phim 70 mm, tốc độ 24 hoặc 48 hình trên giây, độ phân giải không được thấp hơn 1280x720.

Lễ trao giải đầu tiên của AMPAS diễn ra tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood. Trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, các buổi lễ được tổ chức tại khách sạn The Ambassador Hotel hoặc Millennium Biltmore Hotel ở Los Angeles.

Từ năm 1944 đến năm 1946, Nhà hát Trung Hoa Grauman ở Hollywood là nơi tổ chức lễ trao giải trước khi nó dời về thính phòng Shrine Auditorium cho đến năm 1948. Lễ trao giải lần thứ 21 năm 1949 diễn ra tại Nhà hát Giải thưởng Viện Hàn lâm mà sau này là trụ sở chính của AMPAS trên đại lộ Melrose ở Hollywood.

Từ năm 1950 đến năm 1960, địa điểm được lựa chọn là Nhà hát Pantages. Từ năm 1961, đến lượt thính phòng Santa Monica Civic Auditorium ở Santa Monica, California được tổ chức lễ trao giải Oscar.

Năm 1968, một lần nữa lễ trao giải trở về Los Angeles, lần này là tại rạp Dorothy Chandler Pavilion nằm trong Trung tâm Âm nhạc Los Angeles. Rạp The Dorothy Chandler Pavilion là nơi tổ chức 20 đêm trao giải liên tiếp cho đến năm 1988, sau đó giải Oscar lại được trao luân phiên ở Trung tâm Âm nhạc và thính phòng Shrine Auditorium.

Kể từ năm 2002, Nhà hát Kodak (từ năm 2012 đổi tên là Trung tâm Hollywood và Highland, sau đó là Nhà hát Dolby) của Hollywood trở thành địa điểm tổ chức lâu dài của giải thưởng.

>>> Trực tiếp lễ trao giải Oscar 2017

>>> Oscar 2017: Những con số và sự kiện thú vị

>>> Trước giờ G - Oscar 2017: Những khoảnh khắc gây tranh cãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục