Giám đốc quốc gia ADB: Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần

13:14' - 27/09/2023
BNEWS Nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

Sáng 27/9 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO); trong đó ghi nhận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024, giảm nhẹ hơn so với mức dự báo hồi tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%. 

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ: "Môi trường bên ngoài yếu kém đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại."

 

Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của ADB cho biết, kinh tế tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu bên ngoài giảm.

Trong bối cảnh suy giảm ngoài dự kiến, dự báo tăng trưởng trong báo cáo đã hạ xuống còn 5,8% cho năm 2023 (từ mức 6,5%) và 6% cho năm 2024 (từ mức 6,8%). Lạm phát được kỳ vọng giảm nhẹ so với dự báo trong tháng 4, do giá cả hàng hóa trong nước ổn định đưa chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 3,8% trong năm 2023 và 4% trong năm 2024.

Tăng trưởng của ngành xây dựng hiện tại cũng đạt 4,7%, tăng nhẹ so với mức 4,2% của năm ngoái, khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Lĩnh vực nông nghiệp duy trì được đà tăng mạnh, đạt 3,1% sau khi giá cả hàng hóa tăng, khuyến khích gia tăng các hoạt động nông nghiệp.

Nhu cầu thế giới giảm, tác động đến ngành sản xuất chế biến chế tạo ở Việt Nam, làm giảm dự báo của các ngành liên quan. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chế biến chế tạo tăng hơn 50% vào tháng 8 năm 2023 sau 5 tháng suy giảm liên tiếp, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất dựa trên tiêu dùng. Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7% trong năm 2023. Xây dựng cũng sẽ tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Một số lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của 8 tháng năm 2023 tăng 10% so với cùng kỳ. 

Trong 8 tháng năm 2023, áp lực lạm phát giảm nhẹ nhờ giá dầu giảm và tỷ giá hối đoái đang dần có xu hướng ổn định. Mặc dù lạm phát chung đạt mức trung bình 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao 4,6%.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, tăng trưởng thấp và lạm phát ở mức vừa phải dẫn đến việc Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Trong tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản.

Đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành thứ tư trong năm nay. Lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3% và lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cũng giảm tương ứng 1%. Để hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng Trung ương đã cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng và giữ nguyên nhóm nợ cho đến ngày 30/6/2024.

"Chính sách tiền tệ linh hoạt cùng với việc thay đổi lãi suất điều hành thích ứng và tỷ giá hối đoái ổn định đã giúp nền kinh tế dần phục hồi", ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Ông Hùng phân tích thêm, về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.

Theo ông Hùng, Quốc hội đã thông qua mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến cuối năm 2023 và chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhanh chóng triển khai chính sách này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Việt Nam cũng cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.

Nhận định tình hình trong thời gian tới, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của ADB Nguyễn Bá Hùng cho rằng, nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước. Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5% trong năm nay và năm sau với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3% GDP.

Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2% GDP vào năm 2024, ông Hùng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục