Giảm lãi suất có còn là thách thức?

09:18' - 05/07/2017
BNEWS Lãi suất sẽ ổn định trong năm 2017, kỳ vọng này đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô và chính sách như áp lực tỷ giá đang được giảm thiểu.

Ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ từ nay đến cuối năm. Với nhà điều hành, phấn đấu ổn định tiến tới giảm lãi suất là một nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều áp lực.

Ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa:Quang Phúc 

Ngay từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cũng như các chuyên gia đều nhận thấy việc giữ ổn định và phấn đấu giảm lãi suất là một thách thức. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, những tháng đầu năm có hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, chủ yếu là kỳ hạn trên 12 tháng.

Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng thương mại và chỉ đạo các tổ chức tín dụng đưa ra các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cũng điều tiết hợp lý lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giữ ổn định mặt bằng lãi suất”, Phó Thống đốc khẳng định.

Bình luận về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ chí Minh nhận định, áp lực tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng có thể đến từ việc một số ngân hàng trong giai đoạn gần đây liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, làm gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh huy động nhằm mục đích tăng vốn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn.

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng này, áp lực còn đến từ việc thiếu hụt thanh khoản. Cùng lúc lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ cũng được xem là một trong số nguyên nhân khiến nhu cầu huy động tăng trưởng.

Mặc dù vậy, ông Bùi Quang Tín cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt thanh khoản không diễn ra tại các ngân hàng lớn và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh thị trường ngoại hối dần bình ổn trở lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất sẽ ổn định trong năm 2017, kỳ vọng này đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô và chính sách như áp lực tỷ giá đang được giảm thiểu do đồng đô la Mỹ đã được điều chỉnh mạnh so với đầu năm, cùng với đó là những động thái quyết liệt trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Luật sư Bùi Quang Tín cũng khẳng định, với nguồn lực của các ngân hàng thương mại với các tín hiệu của thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản và các chỉ số về kinh tế vĩ mô, sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, từ nay đến cuối năm nếu Việt Nam đồng ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Tuy nhiên, ông Bùi Quang Tín cũng nhận định, cùng với việc kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình, đây sẽ là những thách thức đối với việc giữ ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm.

"Với thị trường hiện nay, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn năm 2016, do nhiều nguyên nhân như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Fed dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn cho hạ lãi suất, khiến lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái”, Luật sư Bùi Quang Tín nói.

Để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, vị luật sư này hiến kế, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý.

Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng khoảng từ 1-2%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND.

Nhìn lại điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, thị trường tiền tệ về cơ bản tích cực, ổn định. Lãi suất trên thị trường được điều tiết hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Cụ thể, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát gia tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn thấp tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng có sức ép tăng.

Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giữ ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Kết quả, thị trường đạt được mục tiêu giữ ổn định lãi suất, một số ngân hàng áp dụng chương trình cho vay đối với một số đối tượng khách hàng với lãi suất ưu đãi. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến từ 4,8-5,4%/năm; kỳ hạn từ 6-12 tháng là 5,4-6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng là 6,5-7,2%/năm. Lãi suất cho vay VND phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm.

Và một thông tin “nóng” như một “làn gió mới” cho hệ thống ngân hàng là Nghị quyết xử lý nợ xấu đã chính thức được Quốc hội thông qua. Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực trong 5 năm và áp dụng từ 15/8/2017.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của Nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm. Và như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, để có hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng xử lý triệt để nợ xấu, góp phần hỗ trợ giảm lãi suất các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được triển khai sớm.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Đặc biệt, NHNN quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục