Giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách

09:09' - 15/01/2022
BNEWS Thông qua các gói tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ dân tại Thừa Thiên - Huế có vốn để sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, tạo nguồn vốn tái sản xuất cho các doanh nghiệp.

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn tại các tỉnh miền Nam, khi trở về địa phương, gia đình anh Trần Văn Nhật Lâm, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Từ nguồn vốn ưu đãi, gia đình anh Lâm đã quyết định đầu tư, mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng cao su. Với quy mô nuôi gần 300 thùng ong, dưới diện tích 1 hecta rừng cao su, bước đầu mô hình này không chỉ giúp anh Lâm có việc làm ổn định mà còn nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế trong mùa dịch.

Gia đình anh Lâm trước đây là hộ cận nghèo. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên ổn định kinh tế. Ước tính gia đình anh thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm từ mô hình này.

 

Dịch bệnh phức tạp kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo. Với gia đình anh Nguyễn Nghị, ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền lại càng khó khăn, chật vật hơn. Vợ anh làm nghề may, công việc thất thường, thu nhập không ổn định, bản thân anh bị tật nguyền bẩm sinh, ba con còn nhỏ.

Giữa năm 2020, sau khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi 50 triệu đồng, gia đình anh Nghị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm với tổng đàn gần 500 con, trồng 50 gốc bưởi da xanh kết hợp với đào ao thả cá và nuôi bò sinh sản.

Anh Nguyễn Nghị cho biết, tuy chưa thoát nghèo nhưng nguồn vốn vay ưu đãi chính là “phao cứu sinh” giúp gia đình anh vượt qua khó khăn từng ngày.

Ngoài hoàn trả được vốn vay hàng tháng, mô hình vườn ao chuồng của gia đình bước đầu cho thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, tạo nền tảng để gia đình vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn được vay vốn sản xuất, trồng trọt, kinh doanh...ổn định cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất việc cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm bớt tệ nạn xã hội và góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.

Đến cuối năm 2021, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền đã triển khai 16 chương trình vay vốn, với tổng dư nợ hơn 416 tỷ đồng cho gần 11.000 lượt hộ vay vốn.

Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền cho biết, riêng trong năm 2021 cho vay mới đạt 157 tỷ đồng, giúp gần 4.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ngân hàng sẽ tập trung khai thác các nguồn lực từ nguồn vốn của trung ương và địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng đã triển khai; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Hiện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thừa Thiên – Huế triển khai hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi với 89.000 khách hàng dư nợ; chất lượng tín dụng ngày càng ổn định và nâng lên.

Đến 31/12/2021 tổng dư nợ ước đạt 3.230 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 8%, nợ quá hạn 0,09%; riêng năm 2021 cho vay hơn 1.350 tỷ đồng với hơn 34.000 khách hàng được tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Đáng chú ý, thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện để các hộ gia đình phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu hút thêm lao động mới, cải thiện và tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn, đặc biệt là giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.

Thời gian qua, 3.000 khách hàng được tiếp cận cho vay hỗ trợ việc làm; 5 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, dùng để trả lương cho công nhân và tái sản xuất với gần 500 lao động được thụ hưởng từ nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, tín dụng chính sách trong thời gian qua đã góp phần quan trọng và là đòn bẩy giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2022, Ngân hàng tập trung mọi nguồn lực đưa nguồn vốn đến đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và phối hợp chính quyền các cấp duy trì chất lượng tín dụng chính sách.

Đồng thời, Ngân hàng tiếp tục làm việc các sở, ban ngành liên quan, tham mưu lãnh đạo địa phương bố trí nguồn vồn để tạo điều kiện cho các đối tượng bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những lao động từ miền Nam trở về được tiếp cận nguồn vốn kịp thời, tạo việc làm, ổn định cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục