Vốn chính sách giúp tạo việc làm cho lao động trở về từ các tỉnh phía Nam

14:21' - 28/12/2021
BNEWS Theo số liệu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại có tới gần 100 nghìn lao động ở các vùng dịch trở về Nghệ An, trong đó có 76 nghìn là lao động.

Việc người dân trở về địa phương như này sẽ gây áp lực lớn cho việc ổn định, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

“Đây cũng là vấn đề mà NHCSXH và chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã thấu suốt, để rồi từ đó ưu tiên dành nguồn lực giải ngân kịp thời, đảm bảo những trường hợp được vay vốn họ có để làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương của mình, đảm bảo việc làm lâu dài tại nơi sinh sống”, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết.

Kịp thời hỗ trợ vốn tạo việc làm

Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH, chúng tôi đến xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông - nơi có 457 lao động trở về từ vùng dịch, trong đó có 31 người dân tộc Đan Lai trở về với hai bàn tay trắng và một cuộc sống vất vả đang chờ họ gồng gánh phía trước. Như anh Lê Văn Cơ ở bản Tân Sơn.

Dứt áo vào Nam để kiếm việc làm mong thêm chút thu nhập. Thế nhưng việc làm thợ hồ vừa mới làm được 20 ngày, ngày được, ngày không thì dịch không làm được nữa. Sau một tháng cách ly tập trung, Lê Văn Cơ trở về nhà với mẹ già và 3 đứa con, tài sản duy nhất mang trở về lúc này là chiếc xe máy cũ mang từ trong Nam ra.

Với những người trong bản là trở về tay trắng, còn Cơ là cả người vợ theo chồng vào miền Nam cũng đã cắt đứt mọi liên lạc.

Nhìn mẹ già và 3 con nhỏ nheo nhóc và ngôi nhà cũ ọp ẹp trống hoác, Cơ lại chẳng biết làm gì vì vốn liếng không có. Thế nên khi được vay vốn tại NHCSXH, nút thắt lớn trong lòng đã được cởi bỏ. Lê Văn Cơ vay 50 triệu đồng sẽ mua 2 con bò, làm nương, rẫy, cải tạo vườn trồng cỏ, ngô để lo cuộc sống tương lai sau này.

“Tôi xác định sẽ không đi đâu nữa, ở nhà chăm mẹ với con ăn học, làm kinh tế gia đình”, Cơ cho biết.

Với anh Vi Văn Bình ở xóm Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã đi làm công nhân trong miền Nam, đóng bảo hiếm xã hội hơn 5 năm nên anh không có ý định từ bỏ. Bởi cuộc sống chỉ có làm ruộng, làm nông thôi, chỉ đủ cho con ăn học là hết. Căn nhà chắc chắn mà anh có được hiện nay cũng là từ việc đi làm công nhân. “Không ra làm ngoài thì cuộc sống của em chắc cũng không nghĩ là làm được nhà này”, Bình kể.

Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến sự ổn định việc làm, Bình cũng chưa tính đến trở vào Nam, vì vậy, việc mưu sinh trong ngắn hạn cũng trở thành điều mong mỏi nhất để có thêm chi phí trang trải nuôi con đang tuổi ăn, tuổi lớn học hành. Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng vừa cho vay đã giải tỏa được tâm tư ấy. Cầm tiền vay trong tay, Bình cho biết sẽ mua trâu, bò, vịt, gà, vịt, chăn nuôi để trang trải cuộc sống lo cho con.

“Nếu Việt Nam kiểm soát được dịch có thể là em cũng sẽ đi để lấy tiền chăm sóc con cái. Ở trong Nam một tháng kiếm được 5 - 6 triệu thôi, lương công nhân nhưng mà mình cũng tích góp. Mỗi tháng, em gửi về 1,5 triệu cho con bé ăn học. Một năm, tiết kiệm được 30 - 40 triệu đồng”, anh nói.

Với xã nghèo Lục Dạ, tỷ lệ hộ nghèo đang còn chiếm tới 16,62%, tìm việc làm ngoại tỉnh cũng từ nhiều năm nay trở thành con đường mà người dân lựa chọn để cải thiện cuộc sống với hơn 1.129 lao động. Và nay, sau dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã có 224 người dân trở về, trong đó từ các tỉnh phía Nam là 137 người và có 38/107 hộ nghèo có người đi làm ăn xa các tỉnh phía Nam trở về.

Bà Lô Thị Mậu - Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, huyện Con Cuông cho biết: “Qua trao đổi thì hướng của những công dân này nói là sẽ không đi nữa và mong sao tiếp tục sử dụng đồng vốn để đầu tư vào phát triển chăn nuôi sản xuất. Mặc dù, các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động ở các tỉnh phía Nam nhưng chỉ có duy nhất là một công dân làm hồ sơ tiếp tục vào ở trong đấy để làm việc; còn lại một số vào làm việc ở các tỉnh phía Bắc; một số ít làm thợ xây trong huyện và các huyện lân cận”.

Cần sự vào cuộc của các cấp ngành

Đi đến các tỉnh và vào Nam tìm việc làm, từ lâu đã trở thành lối thoát cho nhiều người dân vùng nông thôn và cả những vùng sơn cước xa xôi hẻo lánh như Con Cuông, hay Tương Dương cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thậm chí nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu chính sách đã bảo động về tình trạng ly nông, ly hương ở nhiều địa phương.

Việc các nguồn lao động chính và chủ lực di dời khỏi địa bàn dù cũng mang về thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng trở thành một rào cản trong hành trình phát triển bền vững của nhiều địa phương khi các chính sách phát triển kinh tế thì có, nhưng thiếu nguồn nhân lực.

Nhiều địa phương, ruộng đồng bỏ hoang, không người cấy hái, kinh tế hộ trông vào những người thân bỏ xứ đi làm ăn xa. Chính vì câu chuyện người di cư trở về hiện tại dù gây áp lực cho các địa phương trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, song không thể không thừa nhận đây cũng là cơ hội để các địa phương tận dụng nguồn lực phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh các kế hoạch phát triển kinh tế địa phương tận dụng nguồn lực để phát triển trong bối cảnh bình thường mới là rất quan trọng.

Huyện Tương Dương cũng đang đi theo hướng này. Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư huyện ủy Tương Dương cho biết, tác động xấu của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng những chiến lược phát triển, thậm chí là những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chúng tôi buộc phải điều chỉnh theo, nhất là về cơ cấu lao động. Ngày trước, chưa có dịch thì bà con có thể đi làm ở các trung tâm, nhà máy, rồi các tỉnh khác, miễn rằng là nơi nào có thu nhập cao thì lao động của sẽ đến đó nhưng giờ đây, nhân dân đã trở về địa phương.

Với huyện trước đây cũng định hướng phát triển chuyển dịch dần sang thương mại, công nghiệp, và giảm bớt tỷ trọng của giá trị của sản xuất nông nghiệp.

“Nhưng hiện nay, chúng tôi phải đưa giá trị nông nghiệp lên cao hơn. Bởi vì chúng tôi có dư địa, chủ yếu là đất nông lâm, ngư nghiệp. Cần phải nâng cao vì chính nông lâm, ngư nghiệp này mới giải quyết được việc làm tại chỗ người lao động hiện nay”, ông Hải cho biết.

Dù biết tới đây khi các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp đang phục hồi và trở lại trạng thái bình thường và khi ổn định rồi thì người lao động chắc chắn trở lại; bởi vì vốn họ đã có kỹ thuật, đã biết địa bàn mới và quen việc làm rồi.

“Song ở huyện trước hết, chúng tôi muốn giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân đồng thời thực hiện tốt mục tiêu kép mà Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện. Đồng hành với nó là nâng cao trình độ, khả năng của người lao động thông qua nhiều nguồn đào tạo, đào tạo lao động nông thôn”, ông Hải chia sẻ.

Đào tạo nghề để tận dụng lao động địa phương cũng như trao cho họ các cơ hội việc làm mới tại địa phương để ly nông mà không ly hương cũng đang được nhiều địa phương ở Nghệ An triển khai.

Bà Lô Thị Mậu - Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, huyện Con Cuông cho biết: “Hiện nay có rất nhiều các văn bản tuyển dụng công nhân làm tại tỉnh nhưng người dân lại chưa được đào tạo, chưa có chứng chỉ nghề. Cho nên, chúng tôi đang rà soát, lập kế hoạch tất cả các công dân có nhu cầu đào tạo nghề sau khi người dân hết cách ly tập trung và thời gian cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe, đảm bảo an toàn.

Đồng thời, chúng tôi sẽ mở hội nghị đối thoại, gặp gỡ tất cả các công dân, đặc biệt là người dân từ các tỉnh phía Nam về để xem mong muốn, chí hướng của họ như thế nào. Vay vốn để đầu tư vào phát triển chăn nuôi hay phát triển trang trại, từ đó có những đề xuất với chính quyền và NHCSXH”, bà Mậu cho biết.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Với phương châm cho cần câu hơn cho xâu cá, chi nhánh tỉnh thực hiện việc giải ngân kịp thời nguồn vốn cho các đối tượng lao động địa phương trở về sau đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ là một phần để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Để những người nghèo được vay vốn thoát nghèo bền vững thì ngoài nguồn vốn cần sự hỗ trợ, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền và cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các ngành. Ví dụ như là ngành nông, lâm nghiệp và các ngành liên quan để hướng dẫn khách hàng về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, làm ăn kinh tế và giúp những khách hàng vay vốn khi có sản phẩm thì tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh và giá thành bán sản phẩm cao./.

>>>Giải ngân gần 1.754 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục