Giám sát hoạt động mua bán hàng hóa trên môi trường mạng

16:09' - 22/06/2021
BNEWS Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, giao dịch mua bán theo xu hướng truyền thống trở nên hạn chế và đây cũng là thời điểm "khai hoa" của các doanh nghiệp kinh doanh online.

Đơn hàng tại các sàn thương mại điện tử được nổ liên tục, ngày mưa cũng như trưa nắng các shipper vẫn điện thoại cháy máy cho khách để chuyển hàng.

Đón được tâm lý này, trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo thi nhau nở rộ bán hàng trực tuyến từ rau quả, gà cá nhà nuôi, thức ăn nhà làm đến máy tính, xe hơi cũng sẵn sàng giới thiệu đến các thượng đế chỉ sau 1 cái click chuột.

Cũng chính bởi cái tiện ấy đã nảy sinh nhiều bất cập mà không phải ai cũng dám lên tiếng đấu tranh đòi lại sự công bằng cho người tiêu dùng và cho cả những doanh nghiệp chân chính.

*Ngậm bồ hòn làm ngọt

Chị Thu Phương-giáo viên mầm non vừa nhận quyết định nghỉ hưu vào đúng đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Về hưu ở nhà với 2 cháu nội nên ngoài lúc cháo bột cho các cháu, chị Thu Phương lại tranh thủ lướt mạng để mua sắm cũng như lấp dần với khoảng thời gian trống sau 25 năm làm cô nuôi dạy trẻ.

Gần đây, vào một trang fanpage trên mạng Facebook, sau khi nghe bán hàng trực tiếp từ trang này, chị Thu Phương đã đặt cặp dầu gội Bed Head đỏ của hãng Tigi và 1 cặp dầu gội Biotin Collagel bởi giá sale rẻ chưa từng có. Ngoài ra, chị còn đặt kèm thêm 1 chai sữa tắm Coco Chanel và 2 lọ nước hoa Lancome nữ và Versace nam cho con dâu và con trai.

Thế nhưng, sau khi nhận hàng từ shipper, gia đình chị Thu Phương mang ra dùng thử thì các chai mỹ phẩm này chỉ có mùi lúc mở nắp, còn tắm gội lên người xong mọi mùi thơm đều tan biến.

Không những thế, thay vì bổ sung dưỡng chất cho tóc hư tổn như quảng cáo, khi gội xong, tóc cả nhà còn cứng queo, thậm chí còn dựng xù. Hai lọ nước hoa còn có tem dán bị lệch, xịt vào người sau 10 phút mọi mùi hương đều tiêu tan, không như lời quảng cáo của mấy cô mẫu live tại trang fanpage.

Ức chế vì mất tiền mà mua phải hàng dởm, chị Thu Phương có điện thoại vào hotline của trang này thì bảo tất cả mọi người dùng đều khen mùi thơm lâu, ít nhất là 8 tiếng mới bay nên không giải quyết trường hợp này. Sau đó, chị điện thoại lại lần hai thì số máy đã bị chặn.

Chung cảnh ngộ này, chị Ngọc Anh là nhân viên văn phòng tại khu Dương Đình Nghệ cũng tranh thủ thời gian làm việc vào lướt mạng, đặt vô số quần áo cho cả nhà; trong đó, nào áo bơi cho mẹ, quần đùi cho con, áo phông cho chồng.

Tuy nhiên, khi nhận hàng chị Ngọc Anh lại nhận được set 3 quần đùi với 3 loại vải khác nhau, màu sắc cũng hoàn toàn khác so với lô quần chị đặt trên mạng.

Bực mình nhưng cũng để đấy và chỉ tự bảo với mình và mọi người trong nhà từ lần sau "cạch mặt" trang này chứ không muốn lên tiếng vì ngại va chạm, hơn nữa món đồ cũng ít tiền, sợ cơ quan quản lý không giải quyết.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thương mại điện tử hiện nay đang rất phát triển, người tiêu dùng cũng ngày càng mua hàng qua mạng nhiều hơn vì tính tiện lợi.

Tuy vậy, rủi ro mua bán qua mạng nói chung, bán hàng trực tuyến là rất cao vì ngoài thương mại điện tử còn rất nhiều những sàn, trang web lập ra để bán hàng, thậm chí có trang web bán hàng không đăng ký, thậm chí bán hàng xong là xóa web...

Khảo sát của Nielsen vừa công bố mới đây cho biết, thương mại điện tử ngày càng phổ biến là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa và trải nghiệm mua sắm online. Vì vậy, năm 2021 chứng kiến sự tăng vọt về tỷ lệ người quan tâm xung quanh lĩnh vực này.

Cụ thể, 70% người được hỏi bận tâm về việc "sản phẩm thực tế không giống như miêu tả trên website"; 63% quan tâm về "chất lượng sản phẩm kém" và 50% lăn tăn việc "không thể nhìn thấy hoặc trải nghiệm sản phẩm trước khi mua". Trong khi đó, 3 vấn đề này trong khảo sát năm 2020 chỉ lần lượt ở mức 30%, 28% và 10%.

Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác như hàng giả/hàng nhái, phí vận chuyển cao, chính sách đổi, trả hàng không hợp lý, thời gian vận chuyện lâu cũng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đáng kể.

Thực tế ngày 16/6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Thanh Oai phát hiện nhiều công nhân đang tiến hành sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau, và được đựng trong các xô, chậu.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng đang chứa số lượng lớn sản phẩm đã được chiết, rót vào các chai mang nhãn hiệu Coco Chanel. Ngoài ra, tại địa điểm này cũng phát hiện số lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu Collagel X12 Olive, Pink Lady Shower...

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 4 và số 5 phối hợp kiểm tra và thu giữ khoảng 60 gói (loại 1kg) bột ngọt nghi giả nhãn hiệu AJINOMOTO tại cửa hàng kinh doanh tạp hóa TS (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) không có hóa đơn, chứng từ. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để xử lý.

*Tăng cường quản lý

Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, ông Đặng Hoàng Hải-Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay: Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế về chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

Theo đó, Cục đang chủ trì xây dựng Nghị định Sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Ngoài ra, Cục còn phối hợp chặt chẽ với các Tổng cục Quản lý thị trường để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 98/2020/NĐ-CP đối với các chế tài liên quan tới hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu.

Đặc biệt, Cục sẽ tiếp tục phối hợp Tổ 368 - Tổng cục Quản lý thị trường để tham mưu, xử lý các vi phạm thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; trong đó, mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử…

Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, các chủ sở hữu website cần tăng cường phối hợp, quản lý và giám sát thông tin hàng hóa, người bán trên các sàn tuân thủ đúng các quy định pháp luật, hạn chế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần theo dõi sát tiêu thụ hàng hóa, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ và cần dần bỏ đi suy nghĩ coi việc chống hàng giả, hàng nhái chỉ là của cơ quan chức năng.

Ông Đặng Hoàng Hải cũng khuyến cáo người tiêu dùng lưu ý chỉ mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp và có thể tra cứu thông tin về các website đã tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trên website Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

Ngoài ra, người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng nên đọc các đánh giá của những người đã từng mua hàng trên website đó để có thêm thông tin về người bán, giá bán. Bởi đây là những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp trong giao dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục