Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý người nước ngoài

21:20' - 25/02/2019
BNEWS Chiều 25/2, Đoàn Công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý người nước ngoài.
Ngày 25/2/2019, Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Bình Dương nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Chiều 25/2, Đoàn Công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của tỉnh Bình Dương về việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài.

Theo ông, điều đáng lưu ý là tỉnh đã thu hút hơn 3.500 doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư trên địa bàn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng đề nghị Bình Dương tiếp tục chú trọng một số công việc cụ thể để nâng cao vai trò quản lý nhà nước như: tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài đang làm việc ở các doanh nghiệp; tập trung đầu mối quản lý thông tin về người nước ngoài đang cư trú tại địa phương cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết: Hiện tại tỉnh Bình Dương có hơn 15 nghìn người nước ngoài đăng ký tạm trú.

Riêng trong năm 2018 đã có gần 99.000 lượt người nước ngoài đến Bình Dương với mục đích đầu tư, lao động, làm việc, học tập và du lịch…

Với đặc thù là địa bàn có nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài đến làm việc, cư trú, UBND tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; ban hành Quy chế phối hợp và luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; đảm bảo về an ninh, trật tự, tạo thuận lợi cho người nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh, làm việc và cư trú trên địa bàn.

Lĩnh vực quản lý người nước ngoài được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nước ngoài khi đến đầu tư, tham quan, du lịch, học tập, lao động,.. trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các đơn vị nói trên cũng chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời; nhất là trao đổi, thống nhất xử lý vi phạm có liên quan đến người nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Liêm, công tác thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Một số cơ quan, doanh nghiệp, người nước ngoài chưa nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài nên vẫn còn xảy ra các vi phạm, nhất là tình trạng lao động không giấy phép, không đúng mục đích nhập cảnh, không đăng ký lưu trú, quá hạn thị thực.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú trên địa bàn còn hạn chế; chưa kết nối dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh, dẫn đến công tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại địa phương có lúc chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lao động không phép tại một số dự án lớn với nhiều người nước ngoài; cơ quan chức năng quản lý lao động còn lúng túng, bị động. Việc xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài không phép hiện gặp nhiều bất cập do các quy định của pháp luật khi xử phạt chỉ dừng lại ở hình thức cảnh cáo, nhắc nhở.
Trước những tồn tại bất cập trên, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi với các bộ, ngành chức năng để có hướng dân cụ thể về công tác quản lý người nước ngoài vào làm việc tại các dự án lớn tại các địa phương; nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ xây dựng Đề án áp dụng công nghệ thông tin để kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam; tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài theo hướng hoàn thiện và đồng bộ dữ liệu về đầu tư nước ngoài với cơ quan đăng ký kinh doanh; xây dựng chính sách cụ thể về các tiêu chí, chỉ số đánh giá để chọn lọc thu hút các dự án đầu tư, chính sách ưu đãi tùy vào điều kiện của từng địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục