Giảm tổn thất điện năng: Trở ngại khâu đầu tư

08:35' - 18/04/2020
BNEWS So với nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam ở mức thấp, thậm chí đạt sát ngưỡng kỹ thuật (ngưỡng tổn thất thấp nhất có thể đạt được) với mức 6,5%.

Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình nguồn và lưới để truyền tải vào miền Nam bị chậm tiến độ, tổn thất điện năng có thể sẽ tăng trở lại thời gian tới.

* Tiến sát ngưỡng kỹ thuật

Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm qua, tổn thất điện năng toàn Tập đoàn ước đạt 6,5%, thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, tổn thất điện năng của Tập đoàn giảm xuống 6,5%; trong đó, lưới điện truyền tải giảm xuống 2,15%; lưới điện phân phối giảm xuống khoảng 4,35%. Tỷ lệ tổn thất này đã ở mức thấp, nếu muốn tiếp tục giảm sẽ phải đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện và cân nhắc đến hiệu quả của dự án, khả năng thu hồi vốn đầu tư.

“Thực tế, tổn thất điện năng đã giảm thấp sát ngưỡng kỹ thuật nên các biến động về nguồn, tải so với dự báo hay chậm tiến độ công trình đều ảnh hưởng đến kết quả giảm tổn thất điện năng của đơn vị”, ông Hùng nói.

Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), năm 2019, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVNNPT đã đạt 2,15%, thấp nhất kể từ khi thành lập Tổng công ty và về đích trước 1 năm so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.

Để đạt được mục tiêu đó, Tổng công ty đã không để xảy ra sự cố chủ quan, tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành, các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công, đảm bảo kế hoạch về suất sự cố EVN giao.

Ngoài ra, việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đầu tư xây dựng của EVNNPT; trong đó có nhiều dự án vượt tiến độ không những tránh được tình trạng đầy và quá tải trên hệ thống, giúp giảm tổn thất điện năng góp phần quan trọng trong giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận.

Cũng theo nhận định của ông Lê Việt Hùng, để giảm tổn thất điện năng thì trở ngại lớn nhất là vấn đề đầu tư. Ngành điện đang thực hiện đầu tư phát triển hệ thống điện theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Nhưng khi triển khai, nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng, thi công không đảm bảo đúng tiến độ cam kết... Lưới điện không theo kịp tăng trưởng phụ tải dẫn đến đầy, quá tải đường dây, trạm biến áp... Vì thế, tổn thất điện năng của các đơn vị sẽ tăng.

Khi đã ở mức thấp, tổn thất điện năng cũng có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn nếu quy hoạch đầu tư lưới điện chậm hơn tăng trưởng phụ tải. Đây là thực tế đã xảy ra ở nhiều nước có tổn thất điện năng thấp, đạt đến ngưỡng kỹ thuật.

Đơn cử như tại Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia), trong năm 2019, tỷ lệ tổn thất điện năng trên địa bàn các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên đạt 2%, cao hơn kế hoạch giao là 0,10%.

Trong đó, tổn thất trên lưới 500 kV đạt 1,28%, thấp hơn kế hoạch 0,38% và tổn thất trên lưới 220 kV đạt 2,16%, cao hơn kế hoạch 0,75%. Nguyên nhân do các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2 và 4 phát nhiều hơn 1,6 lần so với năm 2018, trong khi hai đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây, Vĩnh Tân - Tân Uyên chậm tiến độ nên phải truyền tải qua các đường dây 220 kV đấu nối xung quanh Trạm 500 kV Vĩnh Tân.

Mặt khác, các nhà máy điện mặt trời đấu nối lên lưới 110 kV, 220 kV đã và đang đưa vào vận hành làm cho các đường dây 220 kV Đa Nhim - Đức Trọng - Di Linh, Tháp Chàm - Nha Trang, máy biến áp 500 kV trạm 500 kV Vĩnh Tân, máy biến áp 500 kV AT2 trạm 500 kV Di Linh vận hành đầy tải.

Theo GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, mức tổn thất trong hệ thống điện phụ thuộc nhiều vào năng lực đầu tư cho lưới điện. Lưới điện đầu tư càng tốt, càng hiện đại, mức tổn thất điện năng càng thấp. Hiện nhiều dự án nguồn điện ở phía Nam không đảm bảo tiến độ và một số dự án lưới điện truyền tải chậm tiến độ do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng khiến cho việc giảm tổn thất điện năng gặp khó.

* Đầu tư hợp lý

Hiện nay, tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam ở mức 6,5% thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới như: Liên bang Nga ở mức 10%, Vương Quốc Anh 8,3%, Ấn Độ 18%, Brazin 15%, HongKong (Trung Quốc) 12%, Hunggari 12%, Rumani 10%, Ukraina 10%, Tây Ban Nha 9,5%...

Theo EVN, tổn thất điện năng phụ thuộc vào đặc điểm hệ thống điện của mỗi nước. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Israel, Đài Loan (Trung Quốc) có diện tích không lớn, phụ tải tập trung, có hệ thống điện mạnh, hiện đại với độ tin cậy cao, các đường dây cung cấp điện không quá dài là lợi thế để có được tổn thất điện năng thấp.

Ở Việt Nam cũng có những khu vực phụ tải tập trung có tỷ lệ tổn thất thấp, như: Bình Dương ở mức 2,95%, Lào Cai 2,97%, Đà Nẵng 3,0%, Đồng Nai 3,35%...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tỉnh có lưới điện kéo dài, điều kiện vận hành khó khăn, dẫn tới tổn thất điện năng cao trên 7% như: Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hoá...

GS Trần Đình Long cho rằng, hệ thống điện Việt Nam do ảnh hưởng địa hình kéo dài từ Bắc vào Nam, phụ tải phân bố rải rác, tỷ trọng công nghiệp chưa cao, tỷ trọng tiêu dùng dân cư lớn là các yếu tố không thuận lợi khi giảm tổn thất điện năng.

“Vấn đề là phải có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho củng cố, phát triển lưới điện và có quy hoạch tương đối dài hạn với mục tiêu phấn đấu giảm tổn thất chung trên toàn lưới điện, đặc biệt là lưới phân phối. Ngoài giải pháp đầu tư, biện pháp vận hành hợp lý cũng đóng vai trò hết sức quan trọng”, GS Trần Đình Long nhấn mạnh.

Ông Lê Việt Hùng cho hay, ở các khu vực có địa hình phức tạp trên, giảm tổn thất xuống 3% cũng có thể làm được, nhưng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, đồng nghĩa với việc hiệu quả giảm tổn thất ở khu vực này sẽ rất thấp so với yêu cầu về vốn đầu tư. Vì vậy, việc đầu tư giảm tổn thất điện năng cũng cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ, tránh gây lãng phí lớn.

“Để tiếp tục giảm tổn thất điện năng, bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, EVN sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch giảm tổn thất hợp lý, tập trung thực hiện tối đa các giải pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh. EVN sẽ chỉ đạo đơn vị đầu tư hiệu quả, hợp lý, không tập trung giảm tổn thất điện năng bằng mọi giá”, ông Hùng nói.

Để giảm tổn thất, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết, EVNNPT sẽ triển khai đề án thử nghiệm tách nối đất dây chống sét cho một đường dây 500 kV và một đường dây 220 kV để có số liệu đánh giá phân tích sự ảnh hưởng của việc nối đất khép vòng dây chống sét đến tổn thất điện năng.

Cùng với đó, Tổng công ty sử dụng dây dẫn tổn hao điện năng thấp cho các dự án thay dây, nâng khả năng tải cho các đường dây mới và đường dây hiện hữu. Đồng thời từng bước trang bị các thiết bị tự động giám sát, đánh giá tình trạng các thiết bị chính lưới điện truyền tải để chủ động phòng ngừa sự cố thiết bị, nâng cao độ an toàn, tính liên tục và độ tin cậy vận hành lưới điện.

Ngoài ra, Tổng công ty sẽ hoàn thành các dự án trang bị pin mặt trời áp mái để lấy điện tự dùng, giảm sản lượng điện tự dùng lấy từ lưới điện, góp phần giảm tổn thất điện năng trong những năm tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục