Gian nan chống buôn lậu nơi miền viên biễn

20:32' - 10/12/2023
BNEWS Theo nhận định của cơ quan chức năng, hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới chủ yếu là đường, xăng dầu, thuốc lá, hàng tiêu dùng như sữa, bia, mỹ phẩm, vàng, tiền tệ, hàng cấm…
Càng về cuối năm, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu dùng mọi thủ đoạn đưa hàng qua biên giới rồi vận chuyển về tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. 

Với đường biên giới trải dài cả trên biển, đảo, đất liền khiến cho việc tuần tra, kiểm soát các hoạt động buôn lậu thuốc lá, vận chuyển trái phép ma túy… của lực lượng hải quan tỉnh Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự mưu trí, bản lĩnh, lực lượng hải quan nơi đây đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu, được nhân dân đánh giá cao.

Ông Trương Minh An, Cục trưởng Cục Hải quan Kiên Giang cho biết các địa bàn trọng điểm của tình trạng buôn lậu hàng hóa vẫn chủ yếu là khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên; khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu, bến Đường Xuồng (thuộc Phường Mỹ Đức), Quốc lộ 80 (từ cửa khẩu đến TP. Hà Tiên), khu vực Cửa khẩu Giang Thành; tuyến ven biển và khu vực Cảng Hàng không sân bay quốc tế Phú Quốc...

Theo nhận định của cơ quan chức năng, hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới chủ yếu là đường, xăng dầu, thuốc lá, hàng tiêu dùng như sữa, bia, mỹ phẩm, vàng, tiền tệ, hàng cấm… Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình đường biên giới nhiều kênh rạch, dòng sông chung, sử dụng xuồng máy gắn động cơ công suất lớn chạy tốc độ cao, né chốt kiểm tra, đưa hàng vào nội địa.

Theo ông Trương Minh An năm nay tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của tỉnh có phần tăng hơn so với năm trước do hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu dần trở lại bình thường. Từ đầu năm, Cục Hải quan Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có phân tích, dự báo tình hình. Đặc biệt, lưu ý tuyến đường hàng không qua sân bay quốc tế Phú Quốc.

Lãnh đạo Cục Hải quan Kiên Giang cho biết, kết quả bắt giữ trong 9 tháng là 48 vụ, với tổng trị giá gần 2,6 tỷ đồng như 2 vụ vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc tân dược, trị giá ước tính khoảng 1,6 tỷ đồng và 2 vụ vi phạm về hành vi mang ngoại tệ xuất cảnh vượt quá tiêu chuẩn không khai báo, trị giá hơn 700 triệu đồng được phát hiện, bắt giữ tại sân bay quốc tế Phú Quốc.

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi đến thành phố biên giới Hà Tiên và những ngày tháng 11, một vùng biên yên tĩnh, êm đềm không còn nghe tiếng gầm rú của động cơ xe máy, không thấy những đoàn xe thồ hàng chạy với tốc độ cao, một hình ảnh vốn quen thuộc ở đây. Nhưng ẩn sâu đằng sau đó, khi bóng tối bao trùm, đội quân vận chuyển hàng lậu sẽ xuất hiện, liên tục vận chuyển các món hàng qua khu vực đường biên cửa khẩu với nhiều phương thức vận chuyển tinh vi. Nơi này vẫn từng ngày, từng giờ đối mặt nạn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm.

Theo các lực lượng chức năng, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu thường tập trung ở khu vực biên giới thuộc khu phố 5 (phường Đông Hồ); các khu phố Xà Xía, Thạch Động và Mỹ Lộ (phường Mỹ Đức) và vùng biển giáp phường Pháo Đài, Tô Châu thuộc địa bàn TP Hà Tiên. 

Ông Trần So Ny, Chi Cục trưởng Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết, hoạt động buôn lậu rất phổ biến từ nhiều năm là theo phương thức nhỏ lẻ, vận chuyển bằng xe mô tô 2 bánh và xe ba gác. Các đối tượng chia nhỏ hàng hóa vận chuyển qua biên giới vào ban đêm, chủ yếu là hàng Thái Lan như đường cát, bia, nước ngọt, rượu, thuốc lá... Khi gặp các lực lượng đấu tranh, truy bắt, các đối tượng này sẵn sàng chống đối, dùng số đông uy hiếp, chống trả, giành giật hàng hóa, tang vật.

Trong 10 tháng của năm 2023, Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đã lập biên bản xử lý 24 vụ vi phạm thủ tục hải quan và vi phạm kiểm soát hải quan với trị gia tang vật là gần 93 triệu đồng. Đơn vị đã thực hiện phạt tiền 244,9 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước là 18 triệu đồng.

Điển hình như ngày 21/7 khi lực lượng Hải quan đang làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Hà Tiên phát hiện một đối tượng đi xe gắn máy qua cửa khẩu không khai báo hải quan, có nghi vấn vận chuyển hàng lậu nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Qua kiểm tra, đối tượng khai nhận tên Tan Ngit (Campuchia) và hàng hóa đối tượng này cất giấu, vận chuyển là 2 ký tổ yến thô.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Hà Tiên đã lập biên bản, tạm giữ tang vật để xử lý theo quy định Chống buôn lậu trên tuyến biên giới Hà Tiên được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của lực lượng hải quan. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyến trái phép hàng hóa qua biên giới, cơ quan hải quan vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần So Ny, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là lực lượng cán bộ hải quan hiện khá “mỏng”, công cụ hỗ trợ không phát huy hiệu quả. Trong khi đối tượng luôn có số đông, hung hăng chống đối, giành giật, sẵn sàng manh động. Cán bộ Chi cục đã hoạt động nghiệp vụ thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ mỗi ngày, tối không đủ sức khỏe để hoạt động kiểm soát chống buôn lậu xuyên đêm.

“Các đối tượng buôn lậu trên địa bàn tổ chức cảnh giới, “canh” đường rất chuyên nghiệp. Thậm chí, cán bộ Hải quan, Biên phòng đi đâu làm gì chúng cũng đều biết và theo dõi. Không ít lần cán bộ tại đây bị thương, nặng có, nhẹ có vì bị các đối tượng chống trả, giành giật hàng hoá, tang vật”,  Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên chia sẻ.

Cục trưởng Cục Hải quan Kiên Giang ông Trương Minh An cũng cho biết, việc kiểm soát chống buôn lậu tại biên giới đang gặp khó khăn do cư dân biên giới không có công việc ổn định; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tộc sống tại khu vực biên giới còn nhiều hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả chống buôn lậu.

Cùng với đó, tại khu vực cửa khẩu có nhiều đường mòn, lối mở trong khi lực lượng chuyên trách làm kiểm soát hải quan lại quá mỏng, không đủ để bố trí thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Việc bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu còn gặp khó khăn, khi phát hiện bị ngăn chặn, mật phục tại đường mòn trên tuyến biên giới, đối tượng vi phạm thường chạy trốn dẫn đến việc điều tra xác minh tìm chủ sở hữu để xử lý gặp khó khăn. Các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ hàng hoá mang, vác làm nhiều chuyến. Vì vậy trị giá bắt giữ mỗi vụ có trị giá thấp, tang vật thu giữ số lượng ít không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo ông Trương Minh An, vào tháng cuối năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ diễn biến phức tạp hơn, với các mặt hàng nhập lậu từ Campuchia. Vì thế, các đơn vị nghiệp vụ của Cục Hải quan Kiên Giang đã bố trí lực lượng trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, nắm tình hình tại các khu vực cửa khẩu, các tuyến biên giới; sử dụng tốt nguồn tin báo nhằm quản lý chặt chẽ các đối tượng buôn lậu.

Đồng thời, Cục sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, kết hợp sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện nơi cất giấu ma túy tại khu vực giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh. Đồng thời, theo dõi, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý rủi ro trong việc phân luồng, chuyển luồng của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các hành vi gian lận trong khai báo về chủng loại, xuất xứ, số lượng, trọng lượng hàng hóa nhằm trốn thuế, gian lận thuế.

Thời gian tới, Cục Hải quan Kiên Giang sẽ tiếp tục đánh giá tình hình và sẽ đề ra các giải pháp ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ở tuyến đường bộ. Cục Hải quan Kiên Giang cũng đã quán triệt và chỉ đạo nhiều văn bản để kiểm soát tốt tuyến hàng không qua sân bay quốc tế Phú Quốc. Đặc biệt là thời gian từ nay đến cuối năm có chuyến bay tăng nhiều và nhiều tuyến mới được khai thác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục