Giỏ quà Tết 2022 hướng đến đặc sản địa phương

16:52' - 25/11/2021
BNEWS Dự án Giỏ quà Tết 2022 giới thiệu những sản vật được lựa chọn từ hơn 200 nhà cung cấp là các nghệ nhân địa phương trên khắp các vùng miền đất nước.

Ngày 25/11, Liên minh Nông đặc sản Việt Nam với các thành viên gồm: Phiên chợ Xanh tử tế (Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA), Trà Quế Studio và trang thương mại điện tử Foodmap.asia đã chính thức thông tin giới thiệu dự án Giỏ quà Tết 2022 với chủ đề Vững chãi - Vàng son, được lấy cảm hứng từ câu chuyện truyền thống của ngày Tết xưa: Trao tặng những gì tinh túy nhất của đất Việt để tỏ lòng biết ơn sắc son.

Theo đó, dự án Giỏ quà Tết 2022 giới thiệu những sản vật được lựa chọn từ hơn 200 nhà cung cấp là các nghệ nhân địa phương trên khắp các vùng miền đất nước; trong đó, đáng chú ý có khô heo mắc mật của nhóm Đoàn viên Thanh niên người Tày ở Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Trước đây, những thanh niên này thường đi hái quả mắc mật đặc sản để bán sang Trung Quốc, nhưng nhờ dự án nuôi lợn không dùng thức ăn công nghiệp và sấy với lá và quả mắc mật thì mọi người tập trung làm sản phẩm này để cung cấp món ăn vặt ngon, lạ và giàu tính bản địa cho thị trường trong và ngoài nước.

Các giỏ quà còn có nụ quế thông được sản xuất theo phương thức canh tác vườn rừng gắn với bảo tồn khu rừng quế ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Món mật dừa nước của cộng đồng người giữ rừng ngập mặn Cần Giờ cũng là một tâm điểm của sản phẩm giàu khoáng chất và thơm ngọt ngày Tết.  Ở cực Nam đất nước là đặc sản bánh phồng tôm làm bằng… tôm thật do người dân thu hoạch từ vùng nước lợ ở cửa biển…

Bà Yến Nguyễn, nhà sáng lập Trà Quế Studio, với nhiều năm liền theo đuổi sứ mệnh “khoác áo mới cho đặc sản Việt Nam" thông qua các dự án thiết kế mỹ thuật ứng dụng cho hộp quà Tết chia sẻ, bà nhận ra sự thay đổi tích cực theo từng năm qua về sự lên ngôi của những sản phẩm nông đặc sản làng nghề trong hành vi tặng quà Tết. Từ rượu ngoại, bánh ngoại là những thứ được ưa chuộng trước đây, hiện giờ người tặng quà đã chọn những câu chuyện dân gian, những sản phẩm có chiều sâu văn hóa và chuyện kể để làm quà.

Trong khi đó, bà Vũ Kim Anh, chủ nhiệm chương trình Phiên Chợ Xanh tử tế cho hay, yêu cầu của thị trường năm nay có phần khắt khe hơn vì người tiêu dùng chọn tập trung vào giá trị sử dụng thực của sản phẩm, sản phẩm phải thực sự đáng đồng tiền bát gạo chứ không được hào nhoáng hay xa xỉ.

Điều đáng mừng là các sản phẩm mà chương trình tuyển chọn đều có sự phát triển vượt bậc liên quan đến các tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước cũng như hàm lượng công nghệ được nâng cao sau rất nhiều lớp tập huấn, nỗ lực của một thế hệ trẻ làm đặc sản vùng miền.

Là đối tác phụ trách khâu công nghệ và thương mại điện tử, ông Tùng Phạm, nhà sáng lập Foodmap.asia cho rằng, nhiều đơn vị đã không thể thực hiện được công tác chăm sóc khách hàng, đối tác trong các dịp lễ trong năm qua. Việc tổ chức họp mặt cuối năm hay tất niên cũng còn nhiều e ngại, nên toàn bộ ngân sách đều dồn cho việc tặng quà Tết. Do đó, thị trường sẽ có nhiều bất ngờ vì yếu tố này.

Mặt khác, trải nghiệm tặng quà online cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn là một bài toán không dễ. Do đó, Foodmap.asia đưa vào sử dụng hệ thống Dtrack để truy xuất nguồn gốc của từng món hàng trong bộ sản phẩm quà năm nay để người tiêu dùng yên tâm về hành trình của mỗi món hàng khi đến tay người được nhận quà, đảm bảo một sự may mắn và an lành trong năm mới.      

Theo ông Tùng Phạm, năm nay Foodmap.asia cũng tổ chức chiến dịch tìm kiếm các sản vật đã mai một dần và khôi phục lại được công thức làm bánh phục linh truyền thống của Huế xưa./. 

>>>Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục