Giới chức châu Âu cảnh báo hậu quả Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

20:49' - 14/10/2017
BNEWS Nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phát đối với Tehran, điều này có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. AFP/TTXVN
Ngày 14/10, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phát đối với Tehran, điều này có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Phát biểu trên Đài Phát thanh Deutschlandfunk, Ngoại trưởng Gabriel nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi "một tín hiệu nguy hiểm và khó khăn", đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Ông lo ngại rằng việc Nhà Trắng không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) không chỉ là vấn đề của riêng Iran hay Mỹ. Nhiều nước có thể sẽ nhìn vào đây và quyết định phát triển vũ khí hạt nhân thay vì ký kết các thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân bởi vì rõ ràng những thỏa thuận này không được tôn trọng.
Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi Mỹ không gây nguy hiểm cho an ninh của các đồng minh và cho chính người dân Mỹ. Nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ, điều này sẽ thúc đẩy phe ủng hộ đường lối cứng rắn tại Tehran (vốn phản đối các cuộc đàm phán với phương Tây) có cớ kể thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân. Israel chắc chắn sẽ không chấp nhận viễn cảnh này và khi đó cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng leo thang như thời điểm 10-12 năm trước, khi hiểm họa chiến tranh ở rất gần châu Âu.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng Mỹ có thể bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Phát biểu trước báo giới, ông Slutsky nêu rõ những cáo buộc Tehran không tuân thủ các điều khoản của JCPOA là vô căn cứ và không có bằng chứng xác thực. Các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đều ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này. Châu Âu, Trung Quốc và Nga cũng nhận thức rõ những hậu quả không thể bù đắp mà những hành động khiêu khích Iran như vậy có thể dẫn đến.
Hãng tin Sputnik (Nga) cũng dẫn lời cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Philip Giraldi cho rằng Tổng thống Trump không tìm cách gây chiến với Iran, song đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng ông có thể gây sức ép đối với Tehran nhằm buộc nước CH Hồi giáo này phải đàm phán lại JCPOA.
Ngày 13/10, Tổng thống Trump đã tuyên bố bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bất chấp sự xác nhận của các thanh sát viên quốc tế. Việc này đã "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định. Lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức đều lên tiếng cảnh báo về hậu quả của hành động trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục