Giới chức Mỹ bảo vệ chương trình tiêm chủng quốc gia

11:41' - 04/01/2021
BNEWS Ngày 3/1, giới chức Mỹ đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch tiêm chủng đại trà, vốn đang bị chỉ trích là chậm trễ và không đạt mục tiêu như ban đầu đề ra.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng, cho hay đã có vài sự cố nhỏ trong chiến dịch này và điều này hoàn toàn dễ hiểu.

Ông cho biết luôn có những thách thức trong việc khởi động một chương trình chủng ngừa quy mô lớn và thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, Tiến sĩ Fauci đánh giá đã có tiến triển trong chương trình tiêm chủng quốc gia khi trên thực tế mỗi ngày có 500.000 người được chủng ngừa, tăng so với lúc mới khởi động chương trình này.

Trong khi đó, Tổng Y sĩ Jerome Adams cho rằng chậm trễ một phần là do sự gia tăng số ca lây nhiễm mới.

Trả lời phỏng vấn của CNN, Tiến sĩ Adams nhận định các cơ sở y tế địa phương, vốn đủ khả năng tiêm chủng cho người dân, đang phải dồn lực để thực hiện các xét nghiệm và ứng phó với tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng.

Tuy nhiên, Tổng Y sĩ Adams kỳ vọng việc tiêm chủng cho người dân Mỹ sẽ được đẩy nhanh trong năm mới.

Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 4,2 triệu người dân Mỹ được tiêm mũi đầu tiên trong 2 mũi tiêm bắt buộc vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người cho đến cuối năm 2020.

Thời gian qua cũng xuất hiện nhiều thông tin về sự cố trong chương trình tiêm chủng như năng lực tổ chức yếu kém, sự thiếu hụt các chuyên gia y tế để quản lý vaccine, thậm chí có cả trường hợp phá hoại. Người dân Mỹ tại nhiều nơi phải xếp hàng trong nhiều giờ mới đến lượt tiêm.

Cũng trong ngày 3/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết chính phủ liên bang sẽ nhanh chóng chuyển vaccine đến các bang và chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối vaccine sau khi tiếp nhận.

Theo thống kê của trang worldmeters.info, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do COVID-19 với 21.113.528 ca mắc và 360.078 ca tử vong.

Cùng ngày, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết quốc gia này lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi vào tháng 3/2021 theo đúng lộ trình đã đề ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, phát biểu với báo giới, Tổng thống López Obrador thông báo trong tháng 1 này, Mexico sẽ tiếp nhận gần 1,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech trong tổng số 34,4 triệu liều theo hợp đồng.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, nước này cũng sẽ tiếp nhận 8 triệu liều vaccine CanSino của Trung Quốc. Theo kế hoạch, Mexico sẽ mua 198 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm để tiêm miễn phí cho người dân.

Hiện tại, Mexico đã tiếp nhận hơn 53.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech và triển khai tiêm cho đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch.

Các nhà chức trách cho biết đang tiến hành phân tích trường hợp một bác sĩ, 32 tuổi, nhập viện vì có phản ứng lâm sàng ngay sau khi được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, với chẩn đoán ban đầu là viêm cơ não. Bác sỹ này có tiền sử dị ứng, sau khi tiêm vaccine đã bị phát ban trên da, co giật và khó thở.

Mexico hiện là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận trên 1,44 triệu ca nhiễm COVID-19, với gần 127.000 ca tử vong./.

>>Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo và 3 tỉnh lân cận

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục