Giới phân tích: Đồng yen suy yếu quá mức sẽ đặt BoJ vào tình trạng “báo động”

16:09' - 06/04/2022
BNEWS Theo Eisuke Sakakibara, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản về các vấn đề quốc tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ rơi vào tình trạng "báo động" nếu đồng yen quá suy yếu, vượt mốc 130 yen/USD.

Tại thị trường châu Á ngày 6/4, đồng yen được giao dịch ở mức 123,77 yen/USD. Giá trị đồng nội tệ của Nhật Bản đã giảm hơn 5% so với "đồng bạc xanh" trong tháng Ba vừa qua, mặc dù đồng yen thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

 

Tuy nhiên, đồng yen đã bị ảnh hưởng nặng nề khi bất ổn địa chính trị diễn ra, chẳng hạn như cuộc xung đột Nga-Ukraine, làm chao đảo các thị trường toàn cầu.

Đà suy yếu của đồng yen diễn ra trong bối cảnh nhiều đồn đoán rằng BoJ sẽ chậm hơn các ngân hàng trung ương khác trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu tăng lãi suất và dự kiến sẽ có những động thái tích cực hơn để kiềm chế lạm phát, thì BoJ vẫn tiếp tục duy trì các gói kích thích kinh tế quy mô lớn.

Sakakibara, người trước đây được gọi là “Mr. Yen” khi ông dẫn dắt nhiều đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ trong những năm 1990, chỉ ra rằng tỷ giá đồng yen/USD được giao dịch trong khoảng từ 120 yen/USD đến 125 yen/USD trong khoảng 4 năm hoặc 5 năm trước.

Ông Sakakibara cho biết: “Sự giảm giá gần đây của đồng yen phản ánh của sự tăng giá của đồng USD so với rổ tiền tệ chủ chốt. Thị trường dự báo rằng đà giảm giá của đồng yen có thể sẽ tiếp diễn và có thể leo lên mức 130 yen/USD”.

Ông Sakakibara cho rằng, nếu tỷ giá này tăng lên 130 yen/USD hoặc hơn thế nữa, điều đó có thể tạo ra một số vấn đề.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda ngày 5/4 cho biết, xu hướng suy yếu gần đây của đồng nội tệ Nhật Bản là "hơi nhanh", song lưu ý rằng đồng yen yếu sẽ giúp ích cho nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

Dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Kuroda, BoJ đã áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong nhiều năm qua nhằm đạt được mục tiêu nâng lạm phát lên 2%.

Manpreet Gill, người đứng đầu mảng chiến lược thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa tại Ngân hàng Tư nhân Standard Chartered cho biết, tình hình hiện tại thực sự giúp BoJ đạt được mục tiêu lạm phát, mặc dù điều đó có thể không kéo dài vì sự suy yếu gần đây của đồng yen được thúc đẩy bởi sức mạnh của đồng USD và đợt tăng lãi suất của Fed.

Trong khi đó, chiến lược gia Galvin Chia của công ty môi giới NatWest Markets cho biết, BoJ hiện đang ở trong tình trạng “khó khăn”. BoJ đang thực sự quan tâm nhiều hơn đến tốc độ giảm giá của đồng yen và những biến động tiềm tàng xung quanh thị trường tài chính”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục