Giữ “lá phổi xanh” tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương

16:43' - 10/04/2024
BNEWS Theo ghi nhận, tình hình khô hạn và nắng nóng tại Đông Nam Bộ đang bước vào cao điểm. Mùa khô nóng tiếp tục kéo dài từ tháng 4 - tháng 6/2024, làm tăng nguy cơ cháy rừng ở mức cao tại Bình Dương.
Nguy cơ cháy rừng tại tỉnh Bình Dương đang trở nên thường trực do nắng nóng khô hanh kéo dài tại Đông Nam Bộ. Mặc dù diện tích rừng của tỉnh không lớn, nhưng vai trò của các khu rừng “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn tài nguyên lại rất quan trọng tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương. Việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng là hết sức cần thiết. Hiện, các cơ quan chức năng địa phương đang căng sức bảo vệ rừng.
 

Theo ghi nhận, tình hình khô hạn và nắng nóng tại Đông Nam Bộ đang bước vào thời kỳ cao điểm. Mùa khô nóng tiếp tục kéo dài từ tháng 4 - tháng 6/2024, làm tăng nguy cơ cháy rừng ở mức cao tại Bình Dương, đòi hỏi phải tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống.

Tỉnh Bình Dương hiện có gần 10.000 ha rừng, chủ yếu tập trung ở các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Với địa hình đồi dốc và thảm thực bì phong phú, các khu rừng phòng hộ được cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong mùa khô. Nguy cơ cao nhất là khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng của tỉnh. Khu vực rừng này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn tài nguyên, mà còn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch khi đến Núi Cậu.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Trong giai đoạn cao điểm mùa khô, lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát và nhắc nhở người dân các vùng lân cận nâng cao cảnh giác, đề phòng cháy rừng; đồng thời thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là cao điểm mùa khô dễ xảy ra cháy rừng.

Theo bà Nguyễn Phương Dung, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ và chặt chẽ. Các biện pháp phòng, chống cháy rừng không chỉ tập trung vào việc kiểm tra và đánh giá, mà còn đặt ra các kế hoạch cụ thể, bao gồm cả việc tăng cường lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng, cũng như phối hợp mạnh mẽ với các cơ quan chức năng địa phương.

Theo các nhà quản lý rừng, một số khó khăn và hạn chế trong công tác phòng, chống cháy rừng như địa hình phức tạp và phân bố rừng rải rác trên diện tích rộng lớn, việc tuần tra thường xuyên vẫn còn gặp nhiều hạn chế do lực lượng chuyên trách không đủ...

Để ứng phó với tình hình này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đưa ra các biện pháp yêu cầu các đơn vị quản lý rừng tiếp tục triển khai và điều chỉnh phương án phòng, chống cháy rừng theo đúng quy định, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo an toàn cho rừng và cộng đồng.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền và hướng dẫn cho cộng đồng cũng được coi là một phần quan trọng trong chiến lược phòng, chống cháy rừng của tỉnh. Các hoạt động như tuyên truyền về việc sử dụng lửa an toàn trong sản xuất và sinh hoạt, hướng dẫn cách hành xử an toàn khi ở gần rừng cũng được khuyến cáo trong mùa khô, đảm bảo mọi người dân đều đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên rừng “lá phổi xanh” của thủ phủ công nghiệp Bình Dương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục