Giữ ổn định Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nhưng cần cải tiến để đảm bảo chất lượng

20:11' - 25/07/2018
BNEWS Các chuyên gia giáo dục cho rằng cần cải tiến kỳ thi THPT quốc gia để hạn chế thấp nhất tiêu cực, đem lại sự công bằng, độ tin cậy của kỳ thi.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi. Ảnh: TTXVN

Tiêu cực về điểm số trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 xảy ra ở một số địa phương cho thấy quy chế của kỳ thi bộc lộ những hạn chế nhất định.

Thống nhất với việc tiếp tục duy trì và giữ ổn định kỳ thi trong năm tới, các chuyên gia công tác trong ngành giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần cải tiến để hạn chế thấp nhất tiêu cực, đem lại sự công bằng, độ tin cậy của kỳ thi.

Tuy nhiên, trong dài hạn, cần có lộ trình thay đổi kỳ thi theo hướng đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh vào đại học, cao đẳng.

Cần chú ý tạo được sự cộng bằng đồng đều

Có thời gian dài theo công tác tổ chức các kỳ thi từ trung học phổ thông cũng như tuyển sinh đại học, Phó Giáo sư,Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: Việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học những năm qua đã được “thử nghiệm” với nhiều phương thức. Từ “3 chung” đến thi Trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu “2 trong 1”; từ việc giao cho trường đại học tổ chức đến giao về Sở Giáo dục địa phương tổ chức. Nhìn chung, phương án nào cũng có ưu và nhược điểm riêng của nó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, cho rằng trong ngắn hạn chưa nên tính đến chuyện bỏ kỳ thi này, bởi thí sinh sẽ không thể theo kịp nếu quy chế thi bị thay đổi liên tục. Các chính sách đưa ra phải hướng đến tính bền vững, ổn định và phải hướng đến thí sinh. Khi phương thức thi mới mà bộc lộ những điểm yếu chưa kịp khắc phục, cải tiến, hoàn chỉnh đã vội thay cái khác là điều không nên.

Mặt khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cũng phân tích, nếu bỏ kỳ thi này và các trường đại học tự tổ chức kỳ thi riêng, tự ra đề thì lúc đó tiêu cực vẫn xảy ra thông qua các trung tâm luyện thi. Khi đó, những học sinh ở thành phố có điều kiện luyện thi thì đạt điểm cao, còn những em thí sinh ở vùng sâu vùng xa, nông thôn không có điều kiện đến trung tâm luyện thi sẽ phần nào bị thiệt thòi. Hơn nữa, việc luyện thi khiến học sinh lại thêm gánh nặng, việc học và thi trở nên nặng nề.

Phân tích dữ liệu qua các kỳ thi các năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết, những năm trao quyền cho các trường đại học tự tổ chức, tự ra đề thi, số học sinh ở thành phố trúng tuyển đại học nhiều hơn học sinh ở nông thôn do có điều kiện luyện thi.

Còn những năm tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia “2 trong 1”, thì những em ở nông thôn lại đạt điểm cao. Điều này cho thấy kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như hiện nay đã tạo sự công bằng nhất định cho các thí sinh ở các vùng miền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, quy chế thi đã được ban hành mà tiêu cực vẫn xảy ra đó là vấn đề thuộc về con người. Chính tư duy cục bộ mang tính địa phương, chạy theo thành tích đã ảnh hướng đến sự công bằng, nghiêm túc của kỳ thi.

Đồng thời, những tiêu cực ở một số địa phương như vừa qua cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong công tác tổ chức kỳ thi, nhất là khâu chấm thi. Vì vậy, cần thiết phải có những cải tiến, đưa thêm các giải pháp kỹ thuật vào trong các khâu, để kỳ thi này thực sự nghiêm túc, công bằng. Việc cần làm ngay trong năm tới là giao quyền nhiều hơn cho các trường đại học tham gia vào các khâu của kỳ thi mới đảm bảo sự công bằng.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc giao Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho các địa phương chủ trì là chưa ổn.

Chưa kể đến việc xảy ra những tiêu cực như vừa qua thì trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia của các địa phương thực sự chưa đảm bảo, chưa chuyên nghiệp như các đại học. Mặt khác, việc các địa phương tổ chức thi dễ nảy sinh tiêu cực do tư duy cục bộ của địa phương chạy theo thành tích hoặc bị tác động từ nhiều phía, nhiều mối quan hệ ở địa phương.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổng kết sâu sắc, toàn diện kỳ thi từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi, lắng nghe các bên liên quan để rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh, cải tiến trong năm tới một cách tốt nhất.

Giải pháp trước mắt là giao cho các đại học chủ trì tổ chức kỳ thi hoặc các trung tâm khảo thí có năng lực, uy tín để đảm bảo tính chính xác, công bằng và khoa học của kỳ thi.

Chú trọng đánh giá năng lực

Cũng cho rằng ngay trong năm sau chưa nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần có cải tiến trong tổ chức kỳ thi.

Căn cơ nhất là phải cải tiến kỳ thi này trở nên nhẹ nhàng hơn và xác định đó không phải là mục đích cuối cùng của thí sinh, của các trường phổ thông.

Để thực hiện được điều này, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cần có những giải pháp đồng bộ để giảm tải kỳ thi.

Trong đó, khâu ra đề thi là quan trọng nhất, đề thi phải đổi mới khoa học hơn chứ không chỉ kiểm tra việc học và nhớ kiến thức mà không có kỹ năng.

Đồng thời, cần định hướng việc học tập ở bậc phổ thông không quá coi trọng thành tích, các địa phương phải chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông có thể không “đẹp” nhưng đảm bảo thực chất.

Trong định hướng lâu dài, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng nên tổ chức kỳ thi này theo hướng đánh giá năng lực giúp các trường đại học tuyển sinh. Có thể tổ chức kỳ thi kết hợp với kết quả đánh giá quá trình học phổ thông để tuyển sinh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, trong lộ trình cải tiến kỳ thi dần dần nên chuyển đổi thành một kỳ thi chuyên nghiệp và giao cho các trung tâm khảo thí cấp quốc gia tổ chức. Đồng thời, cũng cần khuyến khích các trường đại học có phuwong thức tuyển sinh phù hợp tiêu chí của trường.

Các trường đại học được quyền tự chủ chọn kết quả các kỳ thi đó để đa dạng phương thức tuyển sinh, không dựa hoàn toàn vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới.

Cùng quan điểm về việc đa dạng các phương thức tuyển sinh đại học, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, ngay cả khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đảm bảo tính chính xác, tin cậy thì các trường đại học vẫn nên có cách xét tuyển riêng thông qua nhiều phương thức chứ không nên dựa chủ yếu vào kỳ thi này. Tiêu chí để tuyển sinh đại học cần theo xu hướng đánh giá theo năng lực tổng thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục