Giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ổn định chuỗi sản xuất

21:30' - 10/08/2021
BNEWS Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đời sống người dân.

Để giữ vững, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ổn định đời sống của người dân, các cấp, các ngành đang có nhiều giải pháp để không đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa đến người dân một cách nhanh nhất.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, dẫn đến lượng container hàng nhập tồn bãi tại các cơ sở cảng, ICD  tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, khai thác và luồng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Báo cáo của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho thấy, khi Tp. Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, sản lượng khách hàng giao nhận tại cảng giảm nhiều. Cụ thể, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg (từ ngày 31/5 đến 8/7), sản lượng khách hàng giao nhận tại cảng Cát Lái trung bình 9.800 khách hàng.

Khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg (từ 9/7 đến 14/7) giảm còn trung bình 9.000 khách hàng và khi triển khai “3 tại chỗ” (từ 15/7 đến 7/8), còn trung bình 8.144 khách hàng.
Trước tình hình đó, Tân cảng Sài Gòn cùng các cơ quan, địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp; trong đó, có 4 nhóm giải pháp chính gồm: tăng tốc độ giải phóng container nhập ra khỏi cảng; tăng năng lực bãi chứa hàng trong cảng và ngoài cảng.

Đồng thời, điều tiết lượng hàng nhập khẩu có thể bị tồn lâu đưa về cảng; làm việc với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đẩy mạnh thủ tục online.
Theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện lượng tồn bãi hàng nhập đang có mức giảm rõ rệt, bảo đảm công suất, sức chứa cho phép. Việc giao nhận hàng hóa và tốc độ giải phóng tàu được đảm bảo, không còn khả năng hàng hóa tồn bãi tăng cao, gây áp lực cho sản xuất và không còn nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của cảng.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các biển của Việt Nam vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ tỷ lệ thuận với tình hình kiểm soát dịch COVID-19.

Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đảm bảo ổn định. Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng logistics qua đường biển không bị “đứt gãy”.
Theo số liệu của Cục Hàng hàng Việt Nam công bố trước đó, 7 tháng năm 2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam hơn 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 106 triệu tấn, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt hơn 133 triệu tấn, tăng 2%; hàng nội địa đạt gần 184 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng hàng container, sản lượng thông qua cảng biển ước khoảng 14,7 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức tăng trưởng hàng container cao trong vài năm trở lại đây.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp găp khó khăn trong xuất nhập khẩu, ngày hôm nay (10/8), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có văn bản số 4812/BCT-XNK gửi Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển; các doanh nghiệp vận tải biển (hãng tàu) và các trung tâm logistics đề nghị xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi tại cảng biển.
Văn bản nêu rõ, hiện nay, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, có Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch đã khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, dẫn đến ùn ứ container nhập khẩu, thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, với tinh thần cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và duy trì sản xuất để hoàn thành “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển và Trung tâm logistics trên toàn quốc xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch COVID-19.

Đặc biệt, nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ở một diễn biến khác, để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp siết chặt quản lý người giao nhận hàng(shipper).

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh, sở đã hướng dẫn các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; tiến hành đăng ký địa bàn hoạt động, danh sách người lao động làm việc trong thời gian giãn cách và cam kết chịu trách nhiệm xét nghiệm cho người lao động.
Đồng thời, các đơn vị lập và đăng ký danh sách người lao động làm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu của đơn vị, trên cơ sở đó Sở Công Thương sẽ ký xác nhận cho từng người. Người lao động của các đơn vị này sử dụng giấy xác nhận để thực hiện giao nhận hàng hóa thiết yếu tại các khu vực đã đăng ký, tuy nhiên chỉ được hoạt động trong thời gian từ 6 giờ đến trước 18 giờ hàng ngày.
Tại Đồng Nai, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi thống nhất với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và UBND các địa phương, sở đã hướng dẫn đặc điểm nhận diện khi lưu thông của người giao, nhận hàng hóa thực hiện các dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đối với đội ngũ người giao,nhận hàng phải đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường. Cụ thể, đối với các shipper là nhân viên của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh giao, nhận hàng hóa khi lưu thông trên đường được nhận diện và phải có các loại giấy kèm theo.
Cụ thể, các shipper phải mặc đồng phục và thùng hàng có logo doanh nghiệp; đeo băng tay có in chữ shipper. Về Giấy nhận diện do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cấp cho phương tiện của shipper hoạt động.Giấy nhận diện do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cấp cho phương tiện shipper hoạt động.
Về thời gian hoạt động, shipper chỉ được hoạt động trong khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Thời gian hoạt động cụ thể của shipper do các doanh nghiệp đăng ký và được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai xác nhận; hàng hóa vận chuyển, chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa cho cá nhân, tổ chức và người tiêu dùng đặt theo các đơn hàng đã được người mua đặt mua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục