Giúp doanh nghiệp phòng dịch an toàn và phục hồi sản xuất

21:09' - 18/09/2021
BNEWS Các ngành và địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, bên cạnh việc phòng chống dịch, các ngành và địa phương trong cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, khắc phục những ảnh hưởng, tác động, tranh thủ cơ hội, xu thế mới, đảm bảo đạt các chỉ tiêu cao nhất đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước.
Tỉnh Long An có hơn 13.000 doanh nghiệp thì có đến hơn 12.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Trong tháng 8/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương giảm 20,86% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại cũng chịu ảnh hưởng nặng.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 của Long An chỉ đạt hơn 4.500 tỷ đồng, giảm 40,38% so với cùng kỳ năm trước.
Do vậy, tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong khu vực cho phép các nhà máy, xí nghiệp sản xuất trở lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu chỉ có một số nhóm doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được phép hoạt động trở lại.
Các nhóm doanh nghiệp này cũng phải tuân thủ quy định rất nghiêm ngặt như chỉ được sử dụng tối đa 50% lao động so với bình thường; lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và phải đang sinh sống trên địa bàn. Trong quá trình làm việc phải xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần; doanh nghiệp phải tổ chức phương tiện đưa đón lao động đảm bảo đi từ nơi ở đến nơi làm việc...
Các doanh nghiệp cho rằng, việc Long An cho phép hoạt động sản xuất trở lại là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ Long An mở cửa thì cũng không thể phục hồi được, sản xuất, kinh doanh cần phải hoạt động theo các chuỗi liên kết, cung ứng.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đồng Tâm Group, Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: “Không phải cứ mở ra là doanh nghiệp có thể sản xuất được ngay. Bởi vì còn liên quan đến một chuỗi nhiều thứ kèm theo như nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, bao bì, sửa chữa…"

Công nhân làm việc tại doanh nghiệp "3 tại chỗ" ở Đồng Nai. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Tại Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: Phương châm nhất quán của Đồng Nai là "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, sớm tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang diễn biến rất phức tạp nên việc nới lỏng các biện pháp, quy định phòng, chống dịch sẽ được tỉnh thực hiện theo lộ trình.
Hiện nay, việc thông thương hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai được thực hiện theo "luồng xanh", không có chuyện cản trở. Về đi lại giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thống nhất thành lập Tổ giải quyết liên vùng, sắp tới Tổ này sẽ đưa ra những quy định cụ thể áp dụng cho cả vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ngành chức năng Đồng Nai không tạo ra các loại giấy phép "con", làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tạo miễn dịch trong các nhà máy, tới đây Đồng Nai sẽ tiếp tục phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho doanh nghiệp; điều trị, cách ly những công nhân nhiễm, tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tình hình chung của đất nước sẽ phụ thuộc vào kết quả chống dịch, nếu kiểm soát dịch tốt, tăng trưởng năm 2021 có thể đạt từ 3,5 - 4%.

Để đạt được mục tiêu này cần sự quyết tâm, nỗ lực của cả nước, trong bối cảnh năm 2022, có nhiều yếu tố mới, dịch bệnh kéo dài, khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, các nước có độ bao phủ vaccine rộng thì sẽ sớm mở cửa trở lại.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần phải xây dựng, cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ, khả năng ứng phó với mọi tình huống mới có thể xảy ra.

Cùng với đó có các giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế nhanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và có thể kéo dài; bắt kịp được với những xu hướng phục hồi kinh tế của thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, phải coi nội lực là cơ bản, mang tính chiến lược lâu dài và quyết định. Coi ngoại lực là quan trọng, cần thiết và đột phá; đồng thời, nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong công cuộc đổi mới, cải cách; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện tốt ba đột phá chiến lược đó là: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam, xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phân tích và dự báo mục tiêu, xây dựng mục tiêu của năm 2022 với tốc độ tăng trưởng dự kiến trình Trung ương và Quốc hội là từ 6 - 6,5%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các tỉnh, thành phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến người dân và việc duy trì sản xuất. Cùng với đó, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022…
"Tuy nhiên, việc hỗ trợ quan trọng nhất là các địa phương phải đảm bảo thân thiện, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong lúc khó khăn càng phải thể hiện tinh thần cao hơn, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, cho xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục