Giúp người nghèo sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách

13:02' - 22/12/2019
BNEWS Hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh Nghệ An đã có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời hơn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 24/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh Nghệ An đã có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời hơn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

* Giảm nghèo nhờ tín dụng

Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An ở xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Trước đây, gia đình chị Lương Thị Tiếp thuộc diện hộ gia đình nghèo ở xóm Phú Thọ, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Qua bình xét của tổ tiết kiệm vay vốn chi hội phụ nữ bản, năm 2013, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn này chị đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên chỉ sau 5 năm, gia đình chị đã trả hết vốn vay và vươn lên thoát nghèo.

Năm 2018, chị được xét cho vay hộ cận nghèo 50 triệu đồng. Chị tiếp tục đầu tư trồng hơn 3 ha keo nguyên liệu. Nhờ sự chung tay góp sức của các thành viên trong tổ vay vốn, vườn keo của gia đình chị phát triển xanh tốt, hứa hẹn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Chị Lương Thị Tiếp, xóm Phú Thọ, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn vui mừng nói: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn làm cũng không có vốn mà làm. Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng giờ đây cuộc sống gia đình tôi đã đỡ hơn rất nhiều, có nguồn thu nhập và nuôi được con cái ăn học".

Cũng tại huyện Nghĩa Đàn, nhờ biết phát huy vùng đặc thù, biến cái khó của địa phương thành lợi thế để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh Lê Đình Lương ở xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ đã biến đồi núi trọc thành vườn cam, quýt trìu quả sau 5 năm cho thu hoạch, mỗi hécta đạt 50 triệu đồng. Được tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo, gia đình mở rộng diện tích trồng cam và đầu tư trồng keo. Từ đây, kinh tế gia đình ổn định, có tiền nuôi các con ăn học và còn tạo việc làm cho người dân trong bản.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lê Đình Lương (xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn) đầu tư trồng cam, quýt, mang lại thu nhập 50 triệu đồng/ha, giúp gia đình thoát nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Anh Lê Đình Lương, xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ, cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình đã thoát nghèo. Giờ đây, tôi mong muốn ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để tiếp tục trồng cây lâu năm mở rộng sản xuất, mang lại thu nhập ổn định lâu dài”.

Khu gia trại tổng hợp của gia đình chị Trương Thị Dung, xóm 6 xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu có 5 con trâu nái, hơn 20 con lợn nái, thịt, 2 ao cá và hàng trăm con gà, vịt. Cơ ngơi này của chị Dung cùng nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác ở xã Diễn Trường có điều kiện vươn lên thoát nghèo, bắt đầu có kinh tế khá giả đều nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

“Từ khi có vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ gia đình sản xuất nên gia đình đã thoát khỏi hộ cận nghèo, trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng thu về được 60 triệu đồng. Tôi mong muốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình tôi cũng như các hộ nghèo khác trong xã vay vốn nhiều hơn nữa để mở rộng phát triển chăn nuôi”, chị Dung đề nghị.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Trương Thị Dung (xóm 6 xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp và đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Trong 5 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp chị Tiếp, anh Lương, chị Dung là 3 trong số trên 93 nghìn hộ đã thoát nghèo nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tại các địa phương, từ nguồn tín dụng ưu đãi, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, tạo được hướng phát triển đa dạng thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua.

* Phát huy hiệu quả từ chính sách

Nét mới trong thực hiện Chỉ thị 40 là tất cả 480 chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đều tham gia thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện. Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia Ban giảm nghèo các cấp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hoạt động,  trách nhiệm trong thực thi giám sát tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, đã không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mà còn giúp Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.

Ông Lê Ngọc Uyển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, cho biết: “Khi chưa có Chỉ thị 40, việc vay vốn chủ yếu giao cho các tổ chức hội. Từ khi có Chỉ thị 40, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả. Đến ngày giao dịch hàng tháng, Chủ tịch UBND xã tham gia vào buổi giao dịch tại xã với ngân hàng; hàng quý tổ chức kiểm tra các hộ vay vốn, bên cạnh đó xã cũng hỗ trợ ngân sách 10 triệu đồng cho ngân hàng cùng cho dân vay vốn".

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Nguyễn Đông Hùng (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) đã duy trì được nghề sản xuất nước mắm truyền thống và thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Có thể nhận thấy, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng và chất lượng tín dụng.

Tổng doanh số cho vay trong 5 năm đạt hơn 13.000 tỷ đồng; nguồn vốn đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,22% xuống 0,13% so với trước khi có Chỉ thị; gần 500.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ðể bảo đảm hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nâng cao đời sống, kinh tế của người dân, chính quyền cơ sở ở Nghệ An đã và đang quan tâm quy trình cho vay từ xác định đối tượng cho vay, hỗ trợ cũng như định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay.

“Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đồng hành cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An khẳng định. 

Hiện nay, nhu cầu về vốn tín dụng chính sách xã hội đang còn rất lớn như: giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, cho thanh niên được vay vốn để khởi nghiệp, mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội… Các địa phương cần tăng nguồn ngân sách ủy thác, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội là rất quan trọng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 sẽ là tiền đề thuận lợi để Nghệ An tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội ngày một đi lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục