Tín dụng chính sách nơi phên dậu của Tổ quốc

06:46' - 12/11/2019
BNEWS Ước mong đổi đời từ chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những người dân Si Pa Phìn đã và đang được chắp cánh cùng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Xã Si Pa Phìn thuộc huyện Nậm Pồ (Điện Biên) hôm nay không còn những mùa hoa anh túc, thay vào đó là những mùa vàng của lúa, ngô đạt năng suất và chất lượng cao, cùng đàn gia súc đang ngày một mở rộng mang no ấm lại gần hơn với người dân nơi đây.

Năm 2010 đánh dấu mốc phát triển mới trên mảnh đất này với định hướng “Phát triển chăn nuôi gia súc” trên địa bàn năm 2010 rồi nâng cấp thành dự án giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Hạng Nhè Ly cho biết: Ngân hàng Chính sách Xã hội là nguồn hỗ trợ vốn tín dụng chính có mặt trên mảnh đất này hỗ trợ cho huyện giải quyết các vấn đề chính sách an sinh xã hội.

Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng thăm hộ vay vốn tại Điện Biên. Ảnh: Việt Hải

Ước mong đổi đời từ chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những người dân Si Pa Phìn đã và đang được chắp cánh cùng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cả xã có 1.089 hộ, thì có đến 987 hộ là đang vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với dư nợ 42,7 tỷ đồng.

Con số đó cũng đủ thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận được 100% các hộ vay có nhu cầu và đủ điều kiện vay. 123 hộ nghèo tăng thêm từ năm 2015 không phải do hộ nghèo tăng mà đến từ việc có các chính sách mới trợ đỡ đồng bào vươn lên giảm nghèo bền vững trong giai đoạn này như cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo về nhà ở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn,... 

Gia đình chị Mùa Thị Sánh, 32 tuổi ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ vay 50 triệu đồng mua một cặp trâu sinh sản hồi đầu năm 2016. Sau hơn 2 năm đàn trâu nhà chị đã có 4 con, chị vừa bán một con được 30 triệu mua chiếc máy cày và trả nợ ngân hàng.

Nhìn lại 5 năm 2015 - 2019, xã Si Pa Phìn có doanh số cho vay hơn 50,6 tỷ đồng với 1.497 số lượt hộ được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, Mùa A Hòa phấn khởi cho biết, hiệu quả vốn vay ngày càng được nâng lên góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn xã. Ðến nay toàn xã có gần 2,5ha đất trồng cỏ voi, trên 9.000 con trâu, bò. 

Đời sống của người dân trên địa bàn thực sự chuyển biến rõ rệt. Với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số phân bố tại 16 bản, xã hiện không chỉ không có hộ đói mà tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 58,68%; tỷ lệ hộ cận nghèo 12,58% ... Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa Si Pa Phìn trở thành một trong những điểm sáng của huyện về xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn tín dụng chính sách càng thêm quý khi Nậm Pồ là huyện khó khăn nhất trong tỉnh với 97,8% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%; Thái chiếm 18,50%; Dao chiếm 4,15%, Khơ Mú chiếm 1,58%; 8/15 xã biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. 

Từ năm 2015 đến 31/10/2019 toàn huyện có 12.773 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần nâng mức thu nhập bình quân năm của người dân so với năm 2015 từ 7,73 triệu đồng/người/năm lên 11,9 triệu đồng/người/năm.

Đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 72,09% đến cuối năm 2018 xuống còn 60,12%. Huyện từ chỗ chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và về đích sớm trước 2 năm.

Nhờ vay vốn chính sách mà nhiều hộ đồng bào ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã thay đổi hẳn cuộc sống. Ảnh: Việt Hải

Tuy nhiên, bài toán giảm nghèo bền vững vẫn còn là một thách thức lớn với Điện Biên khi kinh tế tỉnh vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, tại các vùng sâu, vùng xa sản xuất 1 vụ trong năm, điều kiện tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Toàn tỉnh có 127.667 hộ trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08% (trong đó, hộ nghèo về thu nhập 46.507 hộ); hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,78%. 

Mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Chính sách Xã hội có nhiều nguồn vốn hơn hỗ trợ người dân Điện Biên vượt khó, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Quý cũng cho biết, Tỉnh ủy cũng đã ra Chỉ thị về việc UBND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay khoảng 1% tổng thu ngân sách trên địa bàn.

Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh đến việc các cấp chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể cần rà soát lại đối tượng vay và nhu cầu vay, bởi qua thực tế tại xã Sìn Thầu và Si Pa Phìn, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều đã vay, như vậy để có thể tăng dư nợ, việc xác định được nhu cầu vay cũng như đối tượng vay chính xác là cơ sở để Ngân hàng Chính sách Xã hội cung ứng thêm vốn để tăng mức vay cho các hộ dân, giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo đặc biệt trên địa bàn diện tích rộng có điều kiện phát triển cây ăn trái, dược liệu và chăn nuôi gia súc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục