Giúp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

11:14' - 01/10/2017
BNEWS Công nghệ lạc hậu, nhân lực chất lượng thấp, khó tiếp cận nguồn vốn vay… là những nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Vận hành máy móc gia công sản xuất thép lá tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: TTXVN

Cùng với những đột phá của Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và những cải cách của Luật Đầu tư, các nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đang được Chính phủ tích cực thực hiện thì Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được đánh giá là một nguồn lực hỗ trợ quan trọng đối với khối doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 40 - 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước và tạo trên 60% việc làm. Đóng góp của DNNVV cho xã hội lớn nhưng đối tượng này lại đang rất thiệt thòi nếu so với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là rất khó tiếp cận vốn tín dụng chính thức từ hệ thống ngân hàng, thể hiện qua con số thống kê chỉ có gần 20% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng.

Theo số liệu thống kê của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy mới đi vào hoạt động gần 1 năm, tính đến tháng 9/2017 đã có trên 1.300 DNNVV tiếp cận trực tiếp với Quỹ và được hỗ trợ tư vấn về điều kiện, tiêu chí, hồ sơ, thủ tục vay vốn của Quỹ.

Con số này chưa tính số lượng doanh nghiệp tiếp cận thông tin qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhận ủy thác từ Quỹ. Các DNNVV hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, phù hợp các tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện vay vốn đã được Quỹ chuyển thông tin cho ngân hàng thẩm định phương án vay vốn.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn Quỹ đã chấp thuận ủy thác cho ngân hàng để giải ngân cho DNNVV là 120 tỷ đồng. Việc giải ngân cho DNNVV đạt yêu cầu được Quỹ và ngân hàng thực hiện theo tiến độ triển khai dự án và nhu cầu của DNNVV.

Với mục tiêu khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DNNVV, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và nhỏ và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo”. Theo đó, hạn mức chương trình là 100 tỷ đồng. Sau mỗi lần giải ngân, tổng hạn mức chương trình sẽ được giảm tương ứng. Thời gian ân hạn trả gốc tối đa 24 tháng. Mức cho vay tối đa là 10 tỷ đồng cho 1 dự án.

Theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc đưa Quỹ vào hoạt động thời gian qua cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DNNVV, các địa phương, hiệp hội và tổ chức có liên quan trong và ngoài nước.

Quỹ bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ từ năm 2016 đã góp phần thúc đẩy, huy động sự tham gia của các ngân hàng thương mại, các tổ chức có liên quan trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV.

Nguồn vốn điều lệ 837,25 tỷ đồng của Quỹ do Ngân sách Nhà nước cấp cho năm 2016 được coi là vốn mồi của Nhà nước cho việc huy động các nguồn tài chính ngoài Nhà nước cùng tham gia hỗ trợ DNNVV.

Việc Quỹ ủy thác cho vay DNNVV thông qua các ngân hàng thương mại đã khuyến khích các ngân hàng tự thu xếp nguồn lực của chính mình (vốn đối ứng, nhân lực, dịch vụ, công nghệ) để tham gia hỗ trợ tài chính cho DNNVV.

Qua đó, góp phần tác động để các ngân hàng thương mại dần thay đổi định hướng nhóm khách hàng trọng tâm: chuyển từ doanh nghiệp lớn sang DNNVV; chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang việc chú trọng đánh giá năng lực nội tại của doanh nghiệp như triển vọng phát triển của doanh nghiệp, kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp, tính minh bạch của thông tin tài chính….

Thông qua các hoạt động hợp tác giữa Quỹ và 4 ngân hàng nhận ủy thác, DNNVV đã được hỗ trợ để thuận lợi hơn trong tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của Quỹ cũng như các khoản vay thương mại của các ngân hàng.

Đây chính là hiệu quả bước đầu của quá trình triển khai chính sách của Nhà nước trong việc từng bước tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong tiếp cận tín dụng.

Cụ thể, theo bà Hồng, đối với các chương trình hỗ trợ này, mức cho vay tối đa dao động từ 10 – 25 tỷ đồng/dự án, phương án sản xuất kinh doanh, thời gian ân hạn trả gốc từ 18 – 24 tháng.

Doanh nghiệp được vay 70% tổng mức vốn đầu tư hợp lý của dự án, phương án sản xuất – kinh doanh cho đầu tư xây dựng cơ bản, lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn là 7%/năm, thời gian vay tối đa là 7 năm.

Ngoài ra, các ngân hàng nhận ủy thác của Quỹ cũng cam kết đồng tài trợ cho DNNVV với mức lãi suất cho vay thương mại ưu đãi giành cho khu vực này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giảm thiểu yêu cầu về tài sản đảm bảo, cụ thể như không được yêu cầu tài sản đảm bảo vượt quá 100% giá trị khoản vay, ưu tiên sử dụng tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng điều chỉnh các gói dịch vụ cho vay thương mại với các điều kiện thuận lợi hơn cho DNNVV để cạnh tranh với chương trình hỗ trợ của Quỹ.

Nhờ vậy, DNNVV được hưởng lợi nhiều hơn và được giảm áp lực về chi phí tài chính trong suốt thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, đã thu hút được đông đảo DNNVV quan tâm tới hoạt động của Quỹ.

Ông Hà Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Kim Long cho biết, với lãi suất thấp và ổn định lâu dài giúp cho doanh nghiệp hoạch định được chính sách của công ty rất tốt; đồng thời, không làm cho công ty phải lo lắng đến thời hạn lãi suất vay tăng lên và tăng lên ở mức nào.

“Với nguồn vốn vay giá rẻ giúp doanh nghiệp chúng tôi nâng cao năng suất, đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn với các đơn đặt hàng”, bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Việt Á cho biết.

Đại diện phía ngân hàng, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng DNNVV VPBank cho rằng, các doanh nghiệp chỉ cần cung cấp kế hoạch sử dụng vốn kinh doanh cho Quỹ; chứng minh việc sử dụng vốn khớp với tôn chỉ của Quỹ và sử dụng đúng vốn theo kế hoạch chứng minh với ngân hàng, đồng thời với điều kiện về tài sản đảm bảo, hoàn toàn Quỹ sẽ chấp nhận.

Ngoài được vay với lãi suất thấp, các doanh nghiệp còn được các chuyên gia tư vấn chuyên môn miễn phí, chuyển giao công nghệ trang thiết bị, máy móc để có thể đưa vào vận hành sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Đến nay, mặc dù, số lượng DNNVV được hỗ trợ chưa nhiều nhưng thời điểm này mới là giai đoạn Quỹ khởi động hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV. Mặt khác, do nguồn vốn có hạn, Quỹ không đặt mục tiêu giải ngân ồ ạt mà tập trung các DNNVV có trọng tâm, trọng điểm theo các lĩnh vực ưu tiên, định hướng của Chính phủ.

Tuy nhiên, để Quỹ hoạt động có hiệu quả như mục đích hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ DNNVV nên cụ thể hóa hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An, thành phố Hải Phòng cho rằng, các nội dung cần phải lượng hóa được nội dung hỗ trợ DNNVV theo hướng càng chỉ rõ được những việc hỗ trợ thường xuyên, cụ thể càng tốt; đồng thời, đưa ra được cách thức hỗ trợ.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình, ông Trần Viết Đán cho biết, hiện nay, năng lực tiếp cận các văn bản và hệ thống pháp luật của DNNVV ở tỉnh còn rất hạn chế.

Nhu cầu được tiếp cận các thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật là rất cần thiết, do đó, cần có những thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp hiểu một cách rõ ràng; đồng thời, cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ để thay đổi nhận thức, năng lực tiếp cận của các doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico lưu ý một thực trạng là phần lớn doanh nghiệp hiện nay không phải là nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ.

“Cần đặc biệt lưu ý doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp. Do đó, các chính sách hỗ trợ cần phân biệt giữa các đối tượng doanh nghiệp để có sự hỗ trợ khác nhau”, ông Đức nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNVV, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, Quỹ đang tập trung hoàn thành dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội phê duyệt và có hiệu lực từ 1/1/2018; trong đó, Quỹ được giao xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ với mục tiêu trọng tâm hướng tới tập trung hỗ trợ các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

“Với sứ mệnh trở thành người bạn đồng hành của các doanh nghiệp, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn nhằm phát huy toàn bộ tiềm năng, tăng tính cạnh tranh, củng cố vị thế trên thương trường; thông qua đó tạo tiền đề cho kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tin tưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục