Gỡ bỏ những rào cản không cần thiết trong xuất khẩu lúa gạo

16:17' - 18/07/2017
BNEWS Theo VCCI, các biện pháp quản lý Nhà nước với xuất khẩu lúa gạo chỉ nhằm đảm bảo an ninh lương thực và để liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, hãy để thị trường quyết định những vấn đề khác.
Gỡ bỏ những rào cản không cần thiết trong xuất khẩu lúa gạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù ủng hộ Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng loại bỏ những rào cản không cần thiết, nhất là các điều kiện về đầu tư kinh doanh đối với mặt hàng gạo Việt Nam, song Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn cho rằng, nếu áp dụng các biện pháp quản lý Nhà nước đối với lúa gạo thì nên hướng vào hai mục đích: một là để đảm bảo an ninh lương thực; hai là để liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề khác để thị trường tự quyết định sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) bình luận, việc giảm các rào cản kinh doanh đối với mặt hàng lúa gạo sẽ mang lại nhiều lợi ích, cả về kinh tế lẫn các vấn đề an sinh xã hội.

Cụ thể, khi có thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường xuất khẩu gạo sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam trên thế giới. Các doanh nghiệp này sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường hoặc các phân khúc thị trường chưa được tiếp cận, góp phần đa dạng hóa thị trường cũng như sản phẩm; đồng thời tăng cơ hội xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Ngoài ra, việc tồn tại các doanh nghiệp ổn định trên thị trường (không có doanh nghiệp mới gia nhập hoặc không có doanh nghiệp rút khỏi thị trường) sẽ làm tăng nguy cơ của những thỏa thuận ngầm nhằm "phân chia địa bàn" thu mua lúa gạo. Việc giảm các điều kiện gia nhập thị trường sẽ giúp người nông dân có thêm sự lựa chọn khi bán gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Qua đó, nâng cao vị thế của nông dân trong việc đàm phán giá bán, tránh bị ép giá như thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, trong trường hợp dự trữ lúa gạo quốc gia đủ năng lực để bảo đảm an ninh lương thực thì việc đặt vấn đề dự trữ lúa gạo đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo là không cần thiết. Trường hợp dự trữ quốc gia chưa đủ năng lực để đáp ứng nhiệm vụ này thì có thể tính đến phương án quy định trách nhiệm duy trì an ninh lương thực cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Lẽ dĩ cần đảm bảo tính hợp lý, minh bạch và tạo chi phí tuân thủ thấp nhất cho các doanh nghiệp.

Song song với đó, vấn đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được coi là khâu then chốt giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người nông dân cũng đã tự ký các thỏa thuận liên kết để nâng cao giá trị nông sản mà không cần đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, mỗi khi có biến động giá hoặc sản lượng, cả phía doanh nghiệp và nông dân đều dễ dàng vi phạm các hợp đồng đã ký kết.

Các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng (đặc biệt từ tòa án) hiện cũng chưa đảm bảo để trừng phạt sự vi phạm hợp đồng, giúp duy trì các liên kết một cách lâu dài. Do vậy, biện pháp tốt nhất để tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ là cải thiện các thiết chế tư pháp bảo đảm thực thi hợp đồng. Trong khi đó thì các biện pháp hành chính chỉ nên mang tính ngắn hạn.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương đang soạn thảo và xây dựng có nội dung quy định: thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: phải có kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và cơ sở xay, xát thóc, gạo phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành...

Ngoài ra, phải có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với người sản xuất lúa, được lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với người sản xuất lúa xác nhận bằng văn bản....

"Sẽ là bất hợp lý khi yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng để chứa thóc gạo và cơ sở xay xát thóc gạo phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hay bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Cùng với đó, cần thay đổi quan niệm để có cách hiểu đồng nhất và giúp doanh nghiệp dễ thực hiện.

Cụ thể như, chỉ yêu cầu doanh nghiệp có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho…", ông Tuấn nêu.

Hay như nội dung về điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất có thể dành cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn các doanh nghiệp khác nếu tham gia liên kết sản xuất; doanh nghiệp được ưu tiên thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.

Ngoài ra, không phải áp dụng các quy định về quản lý giá thóc gạo đối với doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất (mà giá thóc gạo đã quy định trong hợp đồng liên kết)…

Ông Tuấn bổ sung thêm, vấn đề thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng là một vướng mắc. Qua phản ánh từ các doanh nghiệp, để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải làm 3 thủ tục hành chính: từ Sở Công Thương để xác nhận kho chứa đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm rồi Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thủ tục hành chính như vậy là quá phức tạp và có nhiều giấy phép con.

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Công ty Thành Phương cho biết, doanh nghiệp hiện đang đầu tư trồng lúa sạch để xuất khẩu với quy mô 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, để xin được giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải trả chi phí 1 USD)/tấn. Đó là chưa kể các chi phí “lót tay” khác. Vì thế, doanh nghiệp tính toán sẽ chỉ đăng ký kinh doanh mặt hàng này vì việc xin giấy phép chắc chắn sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.

Quy định về thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng cần điều chỉnh vì hiện giấy tờ này có giá trị trong 5 năm. Điều này vô hình chung làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, việc bảo đảm thực thi các quy định pháp luật về xuất khẩu gạo đã được thực hiện dựa trên cơ chế báo cáo và cơ chế thanh tra, kiểm tra. Do đó, quy định về thời hạn của Giấy chứng nhận cần được hủy bỏ là hợp lý, ông Tuấn dẫn chứng.

Ngoài những nội dung trên, vấn đề thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo; điều hành xuất khẩu gạo và an ninh lương thực; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu hay dự trữ lưu thông… cũng được đại diện VCCI kiến nghị sửa đổi, trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục