Gỗ cao su là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam

14:11' - 27/09/2018
BNEWS Năm 2017, ngành chế biến gỗ của Việt Nam sử dụng 5,12 triệu m3 gỗ cao su nguyên liệu. Gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7-1,8 tỷ USD.
Sau 25-27 năm cây cao su sẽ được thành lý. Ảnh minh họa: TTXVN
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được làm từ gỗ cao su tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2017, ngành chế biến gỗ của Việt Nam sử dụng 5,12 triệu m3 gỗ cao su nguyên liệu; trong đó, nguồn cung trong nước khoảng 5,09 triệu m3 (đại điền 4,69 triệu m3; tiểu điền 0,4 triệu m3), nhập khẩu gần 30.000 m3 gỗ.

Bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7-1,8 tỷ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và là 1 trong 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su.

Các mặt hàng sử dụng gỗ cao su là chính như: đồ gỗ nội thất, ghế, viên nén, ván ép, đồ mộc xây dựng, gỗ dán, gỗ ép... Ước tính tỷ lệ gỗ cao su sử dụng trong các mặt hàng kết hợp này khoảng 90%.

Gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ. Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cung ra thị trường khoảng 4,5-5 triệu m3 gỗ. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc pháp lý rõ ràng rất quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa.

Gỗ cao su cũng đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Nguồn cung này có nguồn gốc từ các vườn cao su thanh lý trong nước, thường từ 25-27 năm sau khi năng suất mủ của cây không còn hiệu quả kinh tế.

Cả nước hiện có khoảng 970.000 ha cao su. Dựa trên chu kỳ khai thác diện tích thanh lý bình quân mỗi năm là trên 25.000 ha và thu được hơn 4,5 triệu m3 gỗ. Các vườn cao su đại điền, phần lớn thuộc các Công ty trong Tập đoàn Cao su cung cấp trên 92% lượng gỗ khai thác. Các hộ gia đình chỉ đóng góp khoảng 8%, do diện tích cao su đến tuổi thanh lý nhỏ.

Ông Tô Xuân Phúc dự báo lượng gỗ cao su thanh lý cung cấp ra thị trường mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2023 sẽ có sự sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng dưới 50% lượng cung hàng năm trong giai đoạn 2015 - 2017. Năm 2024, khối lượng gỗ thanh lý được dự đoán tăng đột biến so với giai đoạn 2018 - 2023, lên tới 7,3 triệu m3. Giai đoạn 2026 - 2030 lượng gỗ cao su thanh lý thu được mỗi năm sẽ tương đương với trung bình của giai đoạn 2015 - 2017.

Với trên 90% lượng cung gỗ cao su hiện nay có nguồn gốc từ cao su đại điền, gỗ cao su có tiềm năng trong việc nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc gỗ có chứng chỉ gỗ bền vững. Các vườn cao su tập trung, có diện tích lớn, với chủ sở hữu đồng nhất là những lợi thế quan trọng trong việc giảm chi phí đánh giá thực hiện chứng chỉ. Gỗ có chứng chỉ FSC sẽ là một lợi thế quan trọng trong việc tiếp tục và có tiềm năng mở rộng tham gia thị trường đối với các mặt hàng làm từ gỗ cao su, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, để đạt gỗ đạt chứng chỉ bền vững đòi hỏi ngành cao su cần đưa ra chiến lược thực hiện, trong đó có vai trò quan trọng của Tập đoàn Cao su, bởi hầu hết cung gỗ cao su nguyên liệu hiện nay được thực hiện bởi các công ty thuộc Tập đoàn.

"Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu cao su rất lớn, tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy các doanh nghiệp chế biến gỗ nằm ngoài ngành cao su rất khó tiếp cận nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ các công ty thuộc Tập đoàn Cao su. Kiểm soát nguồn cung từ các doanh nghiệp từ Tập đoàn mặc dù có lợi thế duy trì cung gỗ đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trực thuộc ngành cao su, nhưng điều này phần nào tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sử dụng gỗ cao su nguyên liệu. Đồng thời, làm méo mó thị trường cung gỗ cao su nói chung, hạn chế cơ hội pháp triển của ngành chế biến gỗ.", ông Tô Xuân Phúc đánh giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục