Gỡ “cơ chế” để phát huy nguồn lực của đơn vị sự nghiệp công lập

08:46' - 14/01/2017
BNEWS Làm cách nào để giảm chi nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế của đất nước theo hướng lành mạnh hoá trong điều kiện bội chi ngân sách luôn là đề tài nóng mỗi khi nhắc tới vấn đề thu chi.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Có ý kiến cho rằng, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cần được “tháo gỡ” để nâng cao tính tự chủ, phát huy hết nguồn lực của các đơn vị này.

Theo số liệu đưa ra của Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng.

Dự toán bội chi NSNN là 178 nghìn tỷ đồng (chiêm 3,5% GDP); trong đó, bội chi Ngân sách Trung ương (NSTW) mức 3,38% GDP (172 nghìn tỷ đồng); bội chi NSĐP mức 0,12% GDP (6 nghìn tỷ đồng).

Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài Chính, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ; đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, muốn giảm tải ngân sách, giải pháp đưa ra là phải xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Yên, chủ trương xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập được nhiều người dân mong đợi và đều muốn công tác này triển khai mạnh mẽ.

Hiện tài sản, tiền bạc và chất xám đang nằm ở trong các công ty; đơn vị sự nghiệp công lập là rất lớn.

Tại nhiều tỉnh, vấn đề chi tiền ngân sách đang bị gò bó về cơ chế nên không phát huy được năng lực; chất xám của đơn vị đó.

Do vậy, nếu tháo gỡ tốt vấn đề này khả năng sẽ phát huy tốt hơn nguồn lực của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Yên dẫn chứng: “Có lĩnh vực trước đây tưởng không thể xã hội hoá được như lĩnh vực công chứng, nhưng đến nay hoàn toàn đã làm được”.

Đây có thể nói là một trong những lĩnh vực đi đầu trong xã hội hoá của các dịch vụ công.

Nếu triển khai tốt nhiệm vụ này thì vấn đề kiểm soát tham nhũng, lãng phí dễ thực hiện hơn; thông qua đó, kiểm soát nội bộ được nâng cao.

Thực tế cho thấy thời gian qua ngành tài chính thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong xã hội.

Cụ thể, khuôn khổ pháp lý về thị trường chứng khoán; tài chính được hoàn thiện.

Đồng thời triển khai giải pháp cải thiện thanh khoản cho thị trường; rút ngắn chu kỳ thanh toán, cấp mã số thuế trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài; thu hút dòng vốn trong và ngoài nước.

Do đó, quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán và trái phiếu cuối năm 2016 đạt tỷ lệ khoảng 70,9% GDP.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng thời, phối hợp đôn đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2016 có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá, với tổng giá trị thực tế là 34 nghìn tỷ đồng.

Các tập đoàn; tổng công ty, SCIC đã thoái vốn trên 5,1 nghìn tỷ đồng; thu về 18,83 nghìn tỷ đồng.

Cơ quan này phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng và quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công; triển khai thí điểm trao quyền tự chủ toàn diện cho một số trường đại học. Đồng thời, thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa.

Song song với vấn đề xã hội hoá sự nghiệp công lập, để tăng nguồn thu ngân sách, nhất là cho địa phương, nhiều ý kiến đề xuất về việc sửa đổi quy định nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng ông Lê Thanh Sơn cho rằng, Bộ Tài Chính sớm báo cáo Chính phủ sửa đổi quy định về việc nộp Thuế TNDN hạch toán toàn ngành; thực tế, có chi nhánh hoặc sản xuất kinh doanh tại địa phương nhưng lại nộp thuế TNDN tại trụ sở của địa phương khác.

Hải Phòng đề nghị sửa đổi theo hướng doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương nào thì nộp thuế TNDN tại địa phương đó.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng, Bộ Tài Chính chỉ đạo các địa phương khác triển khai nhanh thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển để đảm bảo tính đồng bộ trên toàn quốc.

Bởi phần thu này sử dụng để duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện hoặc tái tạo công trình kỹ thuật khu vực cửa khẩu.

Nói về vấn đề tăng thu và kiểm soát nguồn thu, tỉnh Lâm Đồng đưa giải pháp thu ngân sách theo đề án và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh.

Địa phương xây dựng 3 đề án: thu thuế xăng dầu; thu thuế kinh doanh vận tải; thu thuế chuyển nhượng kinh doanh bất động sản của các dự án trên địa bàn bởi đây là 3 lĩnh vực hiện thất thu thuế lớn.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải thực hiện trá hình với nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, một doanh nghiệp có 150 xe vận tải hành khách nhưng đăng ký chạy tuyến cố định và đăng ký để nộp thuế theo tuyến cố định chỉ có 50 xe; 100 xe còn lại là để chạy hợp đồng.

Việc chạy hợp đồng có doanh thu hay không có doanh thu lại do họ tự khai.

Mặt khác, hiện Chính phủ giảm thuế VAT đối với một số lĩnh vực nhưng thực tế cho thấy, tuy thuế suất VAT bằng 0 song người mua lại không được hưởng lợi.

Bởi người bán không giảm giá cho người mua nên vấn đề này cần được nghiên cứu và xử lý.

Qua kiểm tra tại tỉnh Lâm Đồng, khi thực hiện giảm thuế VAT đối với một số mặt hàng trong ngành nông nghiệp như cà phê, chè thì giá bán của các công ty và cơ sở vẫn như cũ.

Liên quan vấn đề cưỡng chế nợ thuế, nhiều địa phương cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại có quy định riêng nên cưỡng chế thông qua tài khoản để lấy thông tin tài khoản từ ngân hàng thương mại là rất khó khăn.

Bởi một doanh nghiệp khi đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tài khoản khác nhưng đăng ký với ngân hàng lại là tài khoản khác nên khó kiểm soát.

Vì vậy, để làm tốt vấn đề này cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm và cần được Bộ Tài chính triển khai sớm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục