Gỡ “khó” cho du lịch miền Trung

06:12' - 22/08/2016
BNEWS Sự cố môi trường gần đây tại biển miền Trung đã khiến khách du lịch "e ngại". Vậy giải pháp nào để gỡ khó cho du lịch miền Trung khi du lịch hè đang vào dịp “cao điểm”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu. Ảnh: TTXVN

Những chia sẻ dưới đây của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu với Phóng viên BNEWS/TTXVN sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
BNEWS/TTXVN: Trước sự cố môi trưởng biển vừa qua, khách du lịch có phần dè dặt khi chọn các tỉnh miền Trung là điểm đến. Vậy Tổng cục Du lịch có biện pháp cụ thể nào để khắc phục hệ lụy này?
Ông Hà Văn Siêu: Mùa hè là “thời điểm vàng” đối với hoạt động du lịch. Bởi đây là dịp học sinh được nghỉ, các gia đình tranh thủ thời gian này sắp xếp lịch nghỉ ngơi sau một năm học tập miệt mài của con em.
Hiện du lịch khu vực miền Trung, từ Đà Nẵng trở vào phát triển mạnh hơn so với Bắc Trung bộ. Du lịch là ngành nhạy cảm với tình hình an ninh, khí hậu, thời tiết và cả vấn đề về môi trường. Vì vậy, bất kỳ tác động nào cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới hoạt động du lịch.

Vừa qua, sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đã gây tâm lý lo ngại đối với du khách khi đến đây. 
Đây là lo ngại chính đáng và du khách có thể không chọn du lịch biển tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ mà sẽ lựa chọn tham quan địa danh khác của tỉnh này. Bởi vậy, số lượng khách du lịch hầu như không giảm nhưng về cục bộ ở 4 tỉnh Miền Trung có giảm.
Trước thực tế này, Tổng cục Du lịch chỉ đạo cơ quan quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp ngoài và trong vùng có biện pháp ứng phó kịp thời với việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, điều chỉnh hướng tour, tuyến thay thế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo, linh hoạt trong việc điều chỉnh tour, tuyến, đưa ra lựa chọn mới phục vụ yêu cầu của khách hàng. 
BNEWS/TTXVN: Vậy vai trò của sự liên kết trong lĩnh vực du lịch được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Cơ quan quản lý du lịch ở các địa phương thường có sự liên kết theo vùng. Vùng Bắc Trung bộ có 6 tỉnh; trong đó, Nghệ An, Thanh Hoá không bị tác động nhiều. Nhiều khả năng, lượng khách dồn về các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Nam Định.
Do vậy, sự thông tin qua lại giữa các cơ quan quản lý du lịch, Trung tâm xúc tiến các địa phương trong vùng nhằm kịp thời liên kết, ủng hộ trong việc điều chỉnh tour, tuyến đối với doanh nghiệp. Việc xây dựng tour, tuyến của doanh nghiệp liên quan tới địa phương nào thì địa phương đó giúp đỡ để hoàn chỉnh nội dung, điểm đến.

Thời gian qua, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là hai trung tâm trung chuyển khách lớn. Do vậy, nhiều địa phương kết hợp để tổ chức xúc tiến du lịch tại hai thành phố này. 
BNEWS/TTXVN: Trong khi du lịch miền Trung có phần sụt giảm, tại một số địa phương khác như Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Quảng Ninh thu hút lượng lớn khách đổ về. Ngành du lịch có giải pháp nào để hạn chế tình trạng “chặt chém” đối với du khách khi du lịch biển vào "cao điểm"? 
Ông Hà Văn Siêu: Thực tế, tình trạng này có xảy ra và đây là một trong nhưng vấn nạn của ngành du lịch cần chấn chỉnh. Trước đó, ngành du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14 ngày 2/7/2015 về tăng cường quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém để thúc đẩy du lịch phát triển.

Theo đó, địa phương được giao thực hiện vấn đề quản lý nhà nước, quản lý giá, môi trường cạnh tranh và có thanh tra, kiểm tra xử lý đồng thời nâng cao nhận thức trách nhiệm của những người làm du lịch, cộng đồng dân cư.

Qua hơn một năm thực hiện đã có sự chuyển biến rõ nét ở một số địa phương như Hội An (Quảng Nam) và Thanh Hoá. Tuy nhiên, để chỉ thị này có sức lan tỏa lớn cần nhiều thời gian hơn và phải nâng cao khả năng quản lý của cơ quan nhà nước. 
Chẳng hạn, tại những điểm du lịch tập trung đông người, tệ nạn như móc túi có thể xảy ra. Trường hợp này, người vi phạm không phải ở địa phương, trong khi đó, xử lý vụ việc lại chưa có sự liên kết với địa phương của người vi phạm để xử lý triệt để.

Vì vậy, những đối tượng móc túi này, hôm trước có thể “hành nghề” ở Nha Trang, vài tháng sau lại có thể tới Đà Nẵng để thực hiện hành vi xấu.  

Bãi biển Cửa Đại là điểm du lịch rẻ nhất thế giới. Ảnh: dananghoian

BNEWS: Từ nay đến năm 2020, du lịch biển được chọn là một trong những sản phẩm chiến lược của ngành. Xin ông cho biết những hành động cụ thể để phát huy sản phẩm thế mạnh này?
Ông Hà Văn Siêu: Du lịch biển Việt Nam từ lâu được coi là sản phẩm thế mạnh. Toàn bộ hoạt động du lịch gắn với biển: nghỉ dưỡng, văn hoá biển và hoạt động: lặn biển, giải trí...được ưu tiên đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, ngành cũng huy động các nguồn lực, có cơ chế để tư nhân cùng nhà nước tham gia đầu tư vào hạ tầng du lịch. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào Khu du lịch biển Quốc gia gồm Nha Trang, Vân Đồn, Phú Quốc, Bà Rịa Vũng Tàu, Hạ Long, Lăng Cô... Những nơi này được xác định trong quy hoạch là khu du lịch quốc gia được ưu tiên đầu tư. 
Gần đây, ngành còn huy động từ các nhà đầu tư chiến lược nhằm khơi thông dòng vốn, định dạng thương hiệu tầm cỡ như Vingroup (Vinpearl) ở Nha Trang, Phú Quốc. Từ đó, tạo hiệu ứng lan toả nhà đầu tư thứ cấp và dịch vụ bổ trợ đi kèm.

Từ nay đến năm 2020 sẽ hình thành trung tâm du lịch trọng điểm như: Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh); Đà Nẵng; Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Cam Ranh). 
Bên cạnh đó, ngành du lịch xúc tiến quảng bá, giới thiệu dòng sản phẩm có đẳng cấp. Trong phát triển sản phẩm du lịch nếu đưa quan điểm, cách làm mới về sản phẩm sẽ tạo giá trị trải nghiệm đặc sắc chứ không đơn thuần thụ hưởng thiên nhiên biển như trước kia. 
Sản phẩm du lịch biển sẽ hướng khách hàng tới nhiều trải nghiệm thú vị, liên tục, tiếp xúc với thiên nhiên, văn hoá bản địa. Cách làm này tạo hoạt động liên hoàn giúp du khách không bị nhàm chán.

Khi du khách đi du lịch thì giá trị nguyên sơ phải chạm vào cảm xúc của con người mới đạt giá trị cao, từ đó, đánh giá sự hài lòng của khách hàng.
BNEWS: Trân trọng cám ơn ông!

>>> Bãi biển Cửa Đại là điểm du lịch rẻ nhất thế giới

>>> Quảng Bình: Triển khai thí điểm sử dụng ô tô điện vận chuyển khách du lịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục