Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công

17:05' - 21/05/2020
BNEWS Đầu tư công được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay vấn đề giải ngân vốn trên lĩnh vực này vẫn chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, dù ảnh hưởng của dịch bệnh và hạn hán nhưng khối lượng giải ngân tính đến giữa tháng 5/2020 đạt trên 1.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,8% kế hoạch vốn. Trong số đó, vốn ngân sách tập trung giải ngân bằng 56,8% kế hoạch; vốn ngân sách huyện, thành phố cân đối và ngân sách tỉnh hỗ trợ giải ngân bằng 21,5% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân bằng 7,3% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân bằng 1,4% kế hoạch…

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, so với cùng kỳ năm 2019 khối lượng giải ngân của năm nay đạt lỷ lệ cao hơn khoảng 9,4%.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và khối lượng giải ngân vẫn chưa đạt theo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến một số công trình, dự án phải tạm hoãn thi công để thực hiện chủ trương giãn cách xã hội. Tình hình hạn hán, sụt lún các tuyến đường giao thông ở vùng ngọt đã gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển trang thiết bị, vật liệu phục vụ cho việc thi công các công trình trong khu vực.

Ngoài ra, một số dự án ODA bị vướng mắc trong khâu thủ tục hồ sơ, cơ chế giải ngân, một số dự án thuộc kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phải căn cứ hướng dẫn của một số Bộ, ngành Trung ương mới có thể phân khai, sử dụng…

Trong khi đó, một số nguyên nhân chủ quan vẫn còn tồn tại thuộc về các chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đặc biệt là việc chậm trễ từ khâu lập phương án, xác định giá đất cụ thể đến khâu triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2016-2020, do đó, nếu tỷ lệ giải ngân không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng kế hoạch trung hạn trong 5 năm tiếp theo của địa phương.

"Với việc không giải ngân hết kế hoạch vốn thì chắc chắn các cơ quan thẩm quyền sẽ đánh giá không tốt trong điều hành kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, do chưa biết các tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 như thế nào và không biết hướng xử lý đối với phần vốn không được sử dụng hết của giai đoạn 2016-2020, nên nhiều dự án không sử dụng hết vốn có nguy cơ bị cắt vốn, đặc biệt các dự án sử dụng kế hoạch vốn Chương trình Biển Đông-Hải đảo và các dự án sử dụng vốn ODA”,  ông Lâm Văn Bi, phân tích thêm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, số dự án đầu tư mới năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ. Tính đến nay, địa phương chỉ mới thu hút được 6 dự án mới với tổng vốn đăng ký 3.394 tỷ đồng. Cùng kỳ thu hút 14 dự án mới với tổng vốn 19.188 tỷ đồng. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm khoảng 7% và bình quân vốn đăng ký giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 được nhanh chóng, hiệu quả, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương, đơn vị và các chủ đầu tư có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Theo đó, tỉnh rà soát tình hình thực hiện từng dự án, phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân.

Đồng thời, phân công lãnh đạo phụ trách dự án trọng điểm, dự án còn khó khăn nêu trên để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Từ đó, kịp thời tham mưu, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án không giải ngân được hoặc chậm triển khai cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao; có giải pháp sớm hoàn thành dự án, công trình chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát kết quả giải ngân theo Kế hoạch 01/KH-UBND. Trong số đó, đối với những dựa án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân đến cuối qúy I/2020 dưới 30% thì đề nghị của đầu tư kiểm điểm, phê bình những tổ chức, cá nhân có liên quan và có báo cáo kết quả kiểm điểm ngay trong tháng 5.

Đến cuối tháng 6/2020 phải tiếp tục rà soát, nếu dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn thì tiếp tục có hình thức kiểm điểm nặng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục