Gỡ “nút thắt” cho điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

17:15' - 25/08/2020
BNEWS Theo các chuyên gia, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững và có lộ trình rõ ràng, minh bạch để thu hút nhà đầu tư.

Nằm trong chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo với thông điệp “Đột phá để phục hồi và phát triển xanh vì cuộc sống an lành”, ngày 25/8,  tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và các đối tác tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải đáp tháo gỡ”. 

Mục tiêu của tọa đàm này nhằm chia sẻ các lợi ích, tháo gỡ các nút thắt và đề xuất giải pháp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.

Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo là một sự kiện thường niên do GreenID cùng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khởi xướng từ năm 2016 với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam.

Sau 4 năm tổ chức, chương trình đã trở thành diễn đàn cho các bên liên quan từ trung ương tới địa phương và cả người dân trong cộng đồng cùng tương tác, trao đổi và đóng góp sáng kiến, ý tưởng, hành động và đề xuất cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Chương trình được tổ chức nhằm thúc đẩy các bên liên quan thảo luận và đưa ra đề xuất đóng góp cho việc thực hiện Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Chính phủ trong vài tháng tới.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID, Tọa đàm này có 3 phiên thảo luận chính: Hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà; Chính sách dài hơi để khai thác tiềm năng điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam; Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà nhằm đề xuất giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch, đặc biệt là cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đảm bảo công bằng và  bền vững ở Việt Nam.

* Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam

Đánh giá hiện trạng, định hướng và các chính sách ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, ông Trịnh Viết Nguyên, đại điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết: Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Quyết định 13 chính thức có hiệu lực  từ ngày 22/5/2020 là "cú hích” tạo đà cho điện mặt trời mái nhà phát triển.

Với nhiều lợi ích mang lại cho chính chủ đầu tư cũng như cộng đồng, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà những năm gần đây đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án điện mặt trời mái nhà bán điện cho EVN với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh.

Lũy kế đến nay, có 27.631 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 562,8 được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Cũng trong 4 tháng đầu năm các công trình điện mặt trời mái nhà đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 137,1 triệu kWh.

Những lợi ích thiết thực do điện mặt trời áp mái đem lại đã rất rõ ràng, nhưng hiện còn tồn tại nhiều vấn đề.

Theo đó, việc tuyên truyền, quảng bá về phát triển điện mặt trời mái nhà còn hạn chế; khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đạt, vận hành, bảo hành thiết bị...

Hiện tại chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà, chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Đồng thời, nhà đầu tư phát triển dự án thường tập trung tại một khu vực dẫn tới việc đấu nối và giải tỏa công suất hệ thống bị tắc nghẽn…

Do đó, EVN đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại các hộ gia đình, khu công nghiệp, trung tâm thương mại… giai đoạn sau 31/12/2020.

Người sáng lập Công ty Cổ  phần Năng lượng Vũ Phong (Vũ Phong Solar) Nguyễn Nam Phong chia sẻ: Trải qua hành trình hơn 10 năm trong ngành điện mặt trời tại Việt Nam và khu vực, khởi đầu bằng việc nghiên cứu và sản xuất các thiết bị điện mặt trời cung cấp cho những vùng chưa có điện, đến nay Vũ Phong Solar đã trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành điện mặt trời tại Việt Nam với năng lực tổng thầu EPC không chỉ đối với các dự án dân dụng, mà còn hàng trăm dự án thương mại và các dự án lắp mái nhà xưởng quy mô lớn. Trong suốt quá hoạt động, Vũ Phong Solar luôn kiên trì với hoạt động lắp đặt các hệ thống điện mặt trời dân dụng và thương mại chất lượng cao.

Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt khi Vũ Phong Solar tham gia vào các dự án quy mô trang trại, thi công một phần và toàn phần tại các dự án như Dầu Tiếng 420MW, Hồng Phong 325MW, Ninh Thuận BIM2 250MW, Mũi Né 40.8MW, Vĩnh Hảo 50MW…và nhiều trang trại mới đầu năm 2019. Số người tham gia thi công các dự án của Vũ Phong Solar lên tới trên 500 người vào thời điểm 3/2019.

Cũng trong năm này Vũ Phong Solar đã hình thành các công ty con chuyên xây lắp các dự án điện mặt trời trang trại và làm các dịch vụ vận hành và bảo dưỡng cho điện mặt trời trang trại.

Bên cạnh đó, đại diện GreenID cũng chia sẻ về Cổng thông tin điện tử và chương trình Triệu ngôi nhà xanh.

Theo đó, Chương trình Triệu Ngôi Nhà Xanh được triển khai từ năm 2019 nhằm thúc đẩy và đạt được mục tiêu một triệu ngôi nhà và tòa nhà ở Việt Nam ứng dụng điện mặt trời mái nhà cùng các giải pháp xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đến năm 2030.

Đến tháng 2/2020 đã có 68 giải pháp ứng dụng tại Hà Nội, 133 hộ ứng dụng tại Cà Mau và hơn 400 hộ gia đình tham gia chương trình tại Đăk Lăk ứng dụng các giải pháp điện mặt trời mái nhà, bình nước nóng năng lượng mặt trời, mô hình biogas và đèn LED.

Với việc ứng dụng những giải pháp xanh cho người dân ở khu vực miền núi, xa xôi khó tiếp cận với điện lưới quốc gia đã mang lại những lợi ích thiết thực trong việc tăng cường tiếp cận năng lượng, xử lý rác thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, bằng việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà hòa lưới cho các hộ dân tại Hà Nội thì người dân vừa có thể giảm chi phí tiêu thụ điện lại vừa bán điện cho EVN. Hiện nay, mô hình này vẫn đang tiếp tục được nhân rộng và thúc đẩy. 

*Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Quyết định 13/2020 có thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2020 đưa ra các biểu giá hỗ trợ mới (FIT2) cho các dự án điện mặt trời mặt đất, mái nhà và nổi trên mặt nước.

Trong đó, mức giá FIT mới cho hệ thống điện mặt trời mái nhà giảm xuống còn 8,38 cent Mỹ  (tương đương 1.943 VND/kWh), mức giá hỗ trợ cho các dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent (tương đương 1.644 VNĐ/kwh) và dự án điện mặt trời nổi là 7,69 cent Mỹ (tương đương 1.783 VNĐ/kwh).

Để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, các đại biểu và chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững và có lộ trình rõ ràng, minh bạch để tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư và sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Chính phủ nên gia hạn thời gian thực hiện FIT2 vì trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay việc huy động nguồn lực tài chính và cung ứng thiết bị để triển khai các dự án bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương cần sớm ban hành các Thông tư, Văn bản hướng dẫn thực hiện FIT2 để đảm bảo đủ thời gian cho các bên tham gia được hưởng các ưu đãi từ chính sách này.

Cụ thể, với điện mặt trời áp mái, Chính phủ nên kéo dài chính sách hỗ trợ giá theo Quyết định 13 cho điện áp mái ít nhất thêm 1 năm nữa sau 31/12/2020, đồng thời, cần xây dựng cơ chế chính sách riêng cho phát triển điện mặt trời áp mái với lộ trình rõ ràng, dài hạn và bền vững, được ban hành 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn FIT2.   

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến cơ chế đấu thầu các dự án điện năng lượng tái tạo nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà…

Đây là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới./.    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục