Gỡ nút thắt để vận hành tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội vào cuối năm

12:48' - 18/08/2022
BNEWS Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đang nỗ lực sớm đưa đoạn tuyến trên cao đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là gói thầu CP05 gồm xây dựng các công trình kiến trúc khu Depot Nhổn.

 

Đây là gói thầu quan trọng liên quan trực tiếp đến vận hành, bảo trì tuyến đương sắt đô thị đang bị chậm trễ đã ảnh hưởng đến mục tiêu, tiến độ dự án.
Khu Depot Nhổn có vị trí tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm với tổng diện tích 15 ha, gồm các công trình nhà điều hành; nhà chứa tàu; nhà bảo dưỡng, kỹ thuật điện và các công trình phụ trợ khác. Được khởi công từ ngày 12/1/2013, theo kế hoạch, công trình này hoàn thành vào cuối năm 2018 nhưng do chậm tiến độ phải lùi đến cuối năm nay.
Gói thầu CP05 do nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) đảm nhận. Việc chậm trễ của Hancorp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của đoạn trên cao và kéo theo sự chậm trễ kéo dài của các gói thầu cơ điện CP06, CP07, CP08 gây thiệt hại toàn diện cho dự án.
Về phía nhà thầu là công ty xây dựng Hà Nội cho rằng gói thầu CP05 chậm trễ do phát sinh chi phí, và các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, nguyên nhân chính là do nhà thầu thiếu quyết liệt trong triển khai thi công. Việc tăng chi phí do trượt giá theo thời gian ảnh hưởng đến toàn bộ các gói thầu của dự án chứ không chỉ riêng gói thầu CP05.

Từ năm 2017, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được điều chỉnh tách thành hai giai đoạn; trong đó, đưa vào vận hành trước đoạn trên cao. Mặc dù UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo, chủ đầu tư cũng đôn đốc quyết liệt, nhưng công ty xây dựng Hà Nội chưa nỗ lực để hoàn thành gói thầu CP05.
Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, nếu không hoàn thành gói thầu CP05 - các công trình kiến trúc khu Depot thì không thể vận hành được đoạn trên cao. Việc chậm trễ của gói thầu CP05 đã được UBND thành phố Hà Nội cũng như Bộ Xây dựng giám sát chặt chẽ, tăng cường chỉ đạo, điều hành, duy trì họp giao ban tiến độ tháng với lãnh đạo Hancorp để thúc đẩy tiến độ.
Để giảm tối đa sự ảnh hưởng và lệ thuộc vào tiến độ CP05, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu xây dựng chi tiết một phương án B, nhằm khắc phục tồn tại, đảm bảo mục tiêu vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.
Mới đây, tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội về xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nguyên nhân và trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về cả chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu lẫn sự phối hợp của các bộ, ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả. Những vấn đề vướng mắc, phát sinh chưa kịp thời được xử lý.
Thủ tướng yêu cầu, về mặt tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022. Nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu. Đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn.
Đối với vấn đề điều chỉnh tổng mức đầu tư, sẽ không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp, mà nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước.
Về các vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp. Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chủ động phối hợp với Hà Nội để triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng; tiến hành song song những thủ tục thuộc thẩm quyền.
Thủ tướng cũng đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trực tiếp chỉ đạo dự án theo định hướng chung đã cơ bản được thống nhất. Văn phòng Chính phủ tăng cường tham mưu, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ; những bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải… giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại.
Đặc biệt với gói thầu CP5 - khu Depot Nhổn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những vướng mắc, khó khăn sẽ được xác định và giao từng ngành, đơn vị có trách nhiệm giải quyết cụ thể, triệt để. Thủ tướng đề nghị nhà thầu khắc phục khó khăn, với trách nhiệm trước đất nước, nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục