Gỡ nút thắt lao động giữa đại dịch COVID-19: Bài 2 - Chung tay "cứu" doanh nghiệp

13:18' - 22/03/2020
BNEWS Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, khôi phục lại sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Những khó khăn bất ngờ ập đến với các doanh nghiệp do hệ lụy từ đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải cứu doanh nghiệp từ Chính phủ và chính quyền thành phố, đây cũng là lúc cần có "cánh tay hỗ trợ" từ phía tổ chức Công đoàn để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời ổn định tinh thần và đời sống của người lao động.

* Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”.

Các cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, quận, huyện để triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra liên tục trong mấy tuần vừa qua.

Việc giám sát, điều tra, xác minh, cách ly, cung cấp vật tư y tế… đến từng hộ dân được thành phố triển khai khẩn trương và bài bản.

Hà Nội đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Thủ đô, đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp và việc làm của công nhân lao động.

Trong cuộc họp khẩn với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội mới đây, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục vào cuộc, chủ động hơn, nắm bắt sâu sát tình hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông công nhân lao động, doanh nghiệp có người nước ngoài đóng trên địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, nhanh chóng xây dựng các phương án, kịch bản để chủ động đối phó với dịch COVID-19; thành lập tổ công tác do Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố làm Trưởng đoàn để giám sát, nắm bắt tình hình doanh nghiệp và công nhân lao động; tăng cường công tác chăm lo để tạo niềm tin vững chắc cho người lao động với tổ chức Công đoàn.

Phó Chủ tịch phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, trước tình cảnh doanh nghiệp đang oằn mình "gồng gánh" trước những khó khăn từ dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập từng bước ổn định sản xuất, ổn định quan hệ lao động.

Với những giải pháp cụ thể hơn, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn rà soát, nắm bắt tình hình công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là công nhân lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp về xuất nhập khẩu, nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy... và đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, thống kê số công nhân lao động, giáo viên bị mất việc làm (hoặc thiếu việc làm), chậm trả lương, trả thưởng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... để có biện pháp đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Cùng với đó, Công đoàn cơ sở tham gia với chủ sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian phải ngừng việc vì dịch bệnh (theo Điều 98, Bộ luật Lao động); giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động phải ngừng việc do dịch bệnh theo quy định.

Công đoàn duy trì hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động; hỗ trợ kịp thời trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; đề xuất doanh nghiệp xem xét, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… cho người lao động.

Phó Chủ tịch phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa đề nghị, từ thực tiễn địa phương, ngành và doanh nghiệp, Công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động người lao động nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó.

Vào thời điểm thích hợp, các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn trong các doanh nghiệp chủ động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp để "Công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả COVID-19"; động viên, khích lệ người lao động đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động để đạt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Theo đó, các phương án lao động, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và doanh nghiệp phụ trợ trong nước cần được tính toán căn cơ, bài bản, nhằm giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất trong dài hạn.

* Giải pháp về thể chế

Theo quy định của pháp luật về lao động, nếu vì lý do dịch bệnh mà người lao động phải ngừng việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, phải báo trước cho người lao động theo quy định pháp luật.

Trường hợp này mức trợ cấp thôi việc cho người lao động là mỗi năm 1/2 tháng lương đối với người lao động làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên.

Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc theo quy định hiện hành do người sử dụng lao động chi trả.

Trợ cấp thất nghiệp là trợ cấp được chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp trong thời điểm này, đối với người lao động mất việc, thất nghiệp tạm thời thì thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, còn lại hỗ trợ thông qua chính sách tạo việc làm thay thế tạm thời có tính thời vụ (6 tháng đến 1 năm) trong thời gian chờ dịch bệnh kết thúc.

Các chuyên gia đề nghị, Chính phủ cần có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi.

Trong trung và dài hạn phải có chiến lược cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục