Gỡ vướng chính sách cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí

10:10' - 21/04/2023
BNEWS Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí ở trong nước ngày càng sụt giảm.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi với kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí.

Vậy đâu là điểm mới và những điểm cần bổ sung để Nghị định mới có thể tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí ở trong nước đang bị sụt giảm mạnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

 

Phóng viên: Thưa ông hoạt động đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí đang gặp những khó khăn gì?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gặp  nhiều khó khăn khách quan và chủ quan khác nhau. Ở đây tôi chỉ muốn đề cập tới những khó khăn thuộc về chủ quan.

Đó là, dự án đầu tư cần được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình của dự án chậm được phê duyệt do quá trình thẩm định kéo dài; các dự án cần được hoàn thành các thủ tục để kết thúc dự án thì không hoàn thành được và nhóm khó khăn thứ ba là dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng cũng chưa được phê duyệt do quá trình thẩm định kéo dài.

Cụ thể, dự án đầu tư hiệu chỉnh Nhenhetski là dự án rất hiệu quả, có dòng tiền dương từ năm 2016 nhưng cũng phải mất hơn 3 năm mới được phê duyệt đầu tư điều chỉnh sau khi có rất nhiều kiến nghị. Với dự án đầu tư hiệu chỉnh của dự án Algeria, hiện chủ đầu tư là Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP)-đơn vị thành viên của PVN đã trình gần 4 năm rồi nhưng đến nay cũng chưa hoàn thành thẩm định và phê duyệt.

Tương tự như vậy, dự án đầu tư mới tận dụng cơ sở hạ tầng của dự án Nhenhetski ở Liên bang Nga được PVN trình đã 4 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Thậm chí, Dự án thăm dò khai thác dầu khí SK305 ở Malaysia đã kết thúc từ nhiều năm trước nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành các thủ tục kết thúc dự án từ Việt Nam dẫn tới các nghĩa vụ của nhà đầu tư (PVEP) chưa thể thực hiện được. Hiện dự án đang đối mặt với nguy cơ bị phạt do các bên đối tác và các công ty dịch vụ liên quan khởi kiện ra Tòa trọng tài.

Qua thống kê, đến thời điểm này, ngành dầu khí có 32 dự án đầu tư ra nước ngoài đã ký kết, gồm 5 dự án tìm kiếm dầu khí, 21 dự án thăm dò dầu khí, 6 dự án mua mỏ và mua trữ lượng. Tổng trữ lượng dầu đã phát hiện và mua quyền sở hữu khoảng 145 triệu tấn dầu thô. Tổng số tiền đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 3,6 tỷ USD tính đến 31/12/2022. Tổng số tiền đã chuyển về nước khoảng 2,5 tỷ USD tính đến 31/12/2022.

Trong số 32 dự án này, chỉ với dự án dầu khí Nhenhetski tại Nga và dự án lô 433a & 416b tại Algeria, phần thu của phía Việt Nam sẽ vượt phần vốn chuyển ra nước ngoài của tất cả các dự án cộng lại.

Tuy nhiên, hiện có ba dự án đang phải dừng, giãn do các yếu tố địa chính trị là dự án lớn ở Venezuela và hai dự án ở Peru. Với các dự án đã triển khai còn lại, hiện PVN và các đơn vị thành viên đang phải hoàn thành các thủ tục và các nghĩa vụ cam kết của nhà đầu tư với nước sở tại cũng như với các đối tác tham gia dự án.

Phóng viên:Theo ông đâu là những lý do chủ yếu khiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí đang gặp những khó khăn như vậy?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Chúng ta đã có Nghị định 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Đây là nghị định được soạn thảo công phu trên cơ sở cập nhật, sửa đổi Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2007.

Tuy nhiên, Nghị định 124/2017/NĐ-CP đang bộc lộ những hạn chế do những ràng buộc liên quan đến tổng mức đầu tư, hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài và giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc có ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề đã nêu ở trên nên quá trình thẩm định kéo dài không hạn định. Cùng với đó, tâm lý đùn đẩy sợ trách nhiệm cũng đã ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình thẩm định dự án.

Đây chính là những bất cập khiến các dự án đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí gặp khó khăn, nhất là với các dự án khoan thăm dò khi kết thúc không phát hiện dầu khí (dự án không thành công) nhưng lại có tổng vốn đầu tư bị vượt con số được phê duyệt ban đầu. Khi đó, chủ đầu tư phải xin phép và việc xin phép này liên quan rất nhiều thủ tục như xin điều chỉnh báo cáo đầu tư, xin hạn mức đầu tư điều chỉnh…

Thực tế là nhiều dự án dầu khí như vậy của PVEP vẫn "nằm chờ" vì không có cơ quan nào phê duyệt để kết thúc đầu tư, dẫn tới không thực hiện được cam kết với các bên và nguy cơ làm phát sinh chi phí như phạt hợp đồng, phí trọng tài…

Phóng viên: Thưa ông, Hội Dầu khí Việt Nam đang góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí. Vậy đâu là điểm mới và đâu là những điểm còn cần bổ sung trong Dự thảo này?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Về điểm mới, Dự thảo Nghị định lần này đã quy định rõ hơn về quy trình xây dựng dự án đầu tư ra nước ngoài mới về dầu khí theo tinh thần của Luật Đầu tư 61/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17/6/2020. Trong đó, quy định rõ thủ tục hồ sơ từ xây dựng dự án, thẩm định và phê duyệt chủ trương, tới phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư mới.

Tuy nhiên, có thể do thời gian chuẩn bị quá gấp rút nên các nội dung trong dự thảo dường như chưa thể tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án hiện hữu nên các dự án trong tương lai nếu có cũng sẽ lặp lại các vướng mắc tương tự. Có quá nhiều nội dung áp dụng theo thông lệ tại Việt Nam được đưa vào dự thảo, chưa có các quy định mang tính đặc thù của đầu tư trong hoạt động dầu khí ra nước ngoài.

Vì vậy, Hội Dầu khí Việt Nam mong muốn Nghị định mới phải đảm bảo được bốn mục tiêu. Thứ nhất là với những dự án đang triển khai tốt phải tạo được hành lang pháp lý cho dự án hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn. Thứ hai là với những dự án đầu tư buộc phải kết thúc thì cần có quy định rõ ràng để kết thúc nhanh nhất, tránh kiện tụng phát sinh chi phí. Thứ ba là những dự án lớn, những dự án khó, bị tác động bởi các yếu tố địa chính trị như các dự án dầu khí ở Venezuela hay Peru  cần có cơ chế để duy trì dự án này hoặc cơ chế bán cắt lỗ để giảm thiểu những rủi ro cho chủ đầu tư. Và thứ tư là nghị định mới cần đảm bảo đơn giản hoá các quy trình, thủ tục phê duyệt các dự án dầu khí mới, tránh kéo dài gây lãng phí trong quá trình chuẩn bị.

Phóng viên: Vậy Hội Dầu khí Việt Nam có những kiến nghị, đóng góp cụ thể gì cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Hội Dầu khí Việt Nam có 4 kiến nghị sau:

Thứ nhất, căn cứ theo Điều 3 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17/6/2020, Dự thảo Nghị định lần này cần bổ sung định nghĩa về dự án đầu tư dầu khí mở rộng (dự án đầu tư điều chỉnh). Đây là vấn đề vướng mắc lớn nhất khi thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư hiệu chỉnh Nhenhetski và Lô 433a & 416b ở Algeria.

Thứ hai, Dự thảo Nghị định cần bổ sung về phân cấp quyết định đầu tư hiệu chỉnh và giấy chứng nhận đầu tư hiệu chỉnh cũng như hạn mức cụ thể về dự án đầu tư hiệu chỉnh. Với Luật Đầu tư ở trong nước, chỉ trong trường hợp tổng mức đầu tư thay đổi trên 20% thì chủ đầu tư mới phải thực hiện xin chứng nhận đầu tư hiệu chỉnh-tức là có quy định rõ về hạn mức phải hiệu chỉnh.

Tuy nhiên, các dự án đầu tư ra nước ngoài lại không có quy định đề cập đến hạn mức phải hiệu chỉnh này nên dù "thay đổi một xu" thì chủ đầu tư cũng phải xin giấy chứng nhận đầu tư hiệu chỉnh và quá trình này thường mất nhiều thời gian do liên quan tới rất nhiều cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính. Đây chính là trở ngại, khó khăn rất lớn với các dự án đầu tư dầu khí ở nước ngoài của PVN và các đơn vị thành viên hiện nay.

Thứ ba, Dự thảo Nghị định cần bổ sung quy định về trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài để hoàn thành các nghĩa vụ và xử lý các tồn đọng trước khi chấm dứt các dự án đầu tư ra nước ngoài. Đây là vấn đề đang rất vướng mắc nhưng trong Dự thảo Nghị định mới cho rằng chỉ cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước rồi chuyển tiền. Tuy nhiên, theo quy định về quản lý ngoại hối, lập luận như Dự thảo Nghị định sẽ chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Thứ tư, Dự thảo Nghị định cần làm rõ các điều khoản về chuyển tiếp dự án đã và đang có hiệu lực khi Nghị định 124/2017/NĐ-CP không còn hiệu lực.

Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng nếu các kiến nghị này không được kịp thời cập nhật bổ sung vào Dự thảo Nghị định mới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí sẽ tiếp tục khó khăn như thời gian qua./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục