"Điểm danh" rào cản khiến chính sách vốn chậm đi vào cuộc sống
Với 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát của dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố mới đây, đều phản ánh về mức độ khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng phục vụ cho sản xuất kinh doanh đã chứng tỏ những thách thức lớn đang ngáng trở các doanh nghiệp trên hành trình phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban pháp chế và Phó Tổng thư ký VCCI để có những phân tích, đánh giá rõ ràng hơn về thực trạng sức khỏe doanh nghiệp.
Phóng viên: Như phản ánh từ Báo cáo PCI 2022, khó khăn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận tín dụng, ông có thể nói rõ hơn việc này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Qua khảo sát thực tiễn doanh nghiệp cho thấy, trở ngại lớn nhất của việc doanh nghiệp không thể vay vốn đó là không có tài sản thế chấp. 79,4% doanh nghiệp được hỏi đều phản ánh điều này. Cùng với đó là một loạt trở ngại khác như các điều kiện để được vay vốn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân; thủ tục vay vốn phiền hà; có cả tình trạng doanh nghiệp phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để vay vốn và thậm chí nhiều trường hợp cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp. Chính vì thế, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Nếu năm 2017, có 49,4% doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng giảm dần, lần lượt là 45% và 43%. Khi năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Nhưng sang tới năm 2021 và 2022 thì tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn lần lượt là 35,4% và 17,8%. Phóng viên: Để thúc đẩy tiến trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội, sau đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách với tổng số tiền dành để hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay lên đến 40 nghìn tỷ đồng và thời hạn hỗ trợ không vượt quá ngày 31/12/2023. Thực tế tiếp cận của doanh nghiệp với chương trình này ra sao qua khảo sát của VCCI, thưa ông? Ông Đậu Anh Tuấn: Chính xác là ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đã đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm là 2022 - 2023, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với những khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực. Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện nghị định này. Quả thực, rất nhiều doanh nghiệp đã vô cùng mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Thế nhưng, kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, chỉ 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này; chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây. Đồng thời, cần đáng lưu ý hơn nữa là có tới 56,7% doanh nghiệp chia sẻ là đã gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. Phóng viên: Cũng có nhiều lý giải về nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận khoản vay hỗ trợ lãi suất 2% mà chủ yếu đều là từ phía doanh nghiệp. Quan điểm của ông thì sao?Ông Đậu Anh Tuấn: Khó đáp ứng điều kiện cho vay, tất nhiên là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt con số và hiệu quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, căn cứ vào phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay, cũng như ý kiến từ một số ngân hàng thương mại về tiêu chí “có khả năng phục hồi” như quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP là chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi” hay không? Bởi, để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như: doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều bất định như hiện nay, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn. Thực tế, kết quả khảo sát PCI 2022 cũng cho thấy, có 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, cũng có đến 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết, thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự e ngại phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận hỗ trợ... Theo quan điểm nhìn nhận của tôi, đã gọi là tín dụng hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi phải thực sự dễ dàng tiếp cận, như thế mới trúng mục đích, đạt mục tiêu ngay từ đầu chương trình đề ra.Phóng viên: Vậy, ông có kiến nghị gì để doanh nghiệp có thể thuận lợi tiệm cận nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh?
Ông Đậu Anh Tuấn: Có lẽ cần 1 giải pháp tổng thể để giúp chính sách nhanh đi vào đời sống hơn, thay vì việc chưa chuẩn ở đâu sẽ chỉnh sửa ở đó như cách chúng ta vẫn làm lâu nay. Việc quan trọng nhất cần làm và làm đầu tiên vẫn phải là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để gỡ bỏ những rào cản, vướng mắc tồn tại từ rất lâu và luôn đeo đẳng doanh nghiệp.Theo đó, các vấn đề về thủ tục hành chính, thuế hay đất đai, tiết giảm chi phí không chính thức... cùng với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tín dụng ưu đãi lãi suất đều cần phải được triển khai đồng bộ và có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương, các cấp và các ngành.
Rất mừng là mới đây, ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước để sửa dự thảo quy định về trái phiếu và khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc việc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng chính sách này và kỳ vọng hỗ trợ tích cực hơn giúp doanh nghiệp vượt qua khỏi khó khăn. Chỉ sau đó 1 ngày Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ngay 2 thông tư điều chỉnh các lĩnh vực trên. Doanh nghiệp cần năng động thì quản lý Nhà nước cũng cần sự chủ động vào cuộc. Hãy lấy doanh nghiệp làm trung tâm và đưa ra những giải pháp để hỗ trợ họ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy họ tiến xa hơn! Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông! >>>Bài cuối: Quyết sách mạnh từ ngân hàngTin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Không để doanh nghiệp đói vốn!
09:53' - 01/05/2023
Liên tiếp các gói tín dụng quy mô từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng được triển khai với lãi suất ưu đãi. Nguồn oxy tín dụng đã sẵn sàng nhưng vì sao vẫn chưa thể hồi sinh doanh nghiệp?
-
Kinh tế Việt Nam
Tiếp cận dòng vốn - Góc nhìn từ doanh nghiệp
09:41' - 01/05/2023
Nguồn vốn được xem như mạch máu để phát triển mỗi doanh nghiệp. Trong khi dịch COVID-19 diễn ra suốt 3 năm qua đã bào mòn nguồn sống của nhiều doanh nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Gỡ vướng cho dòng vốn - Từ chính sách đến thực thi
09:35' - 01/05/2023
Dù ngân hàng thương mại hạ lãi suất và khuyến khích cho vay, nhưng doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà, một phần do e ngại nợ dồn, nợ đọng; một phần do tiếp cận vốn cũng không hề đơn giản, dễ dàng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ
21:24'
CGGC mong muốn hợp tác với thành phố Cần Thơ xây dựng một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để phát điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
-
Kinh tế Việt Nam
Trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
20:22'
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Trần Hồng Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
-
Kinh tế Việt Nam
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thu hút thêm dự án FDI 177 triệu USD
19:59'
Đến nay, đã có tổng cộng 521 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung – giai đoạn 1 và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
-
Kinh tế Việt Nam
Trao Nghị quyết bổ nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đối với ông Lê Quang Tùng
19:58'
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức Lễ công bố và trao Nghị quyết về công tác nhân sự đối với ông Lê Quang Tùng.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính
19:00'
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng được phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.
-
Kinh tế Việt Nam
Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị được phê chuẩn giữ chức vụ Tổng thư ký Quốc hội
18:54'
Tân Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng sinh ngày 30/10/1971 tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc , Hà Tĩnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng được phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
18:47'
Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh được phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
-
Kinh tế Việt Nam
Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bầu Tổng Thư ký Quốc hội
18:08'
Thứ Năm, ngày 28/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 28 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
17:44'
Ngày 28/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp.