Gỡ vướng đất san lấp công trình tại Đắk Nông - Bài 2: Tìm giải pháp hài hòa

14:13' - 23/05/2023
BNEWS Hiện nay, vướng mắc đất san lấp đối với các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được đánh giá không khác gì so với vướng giải phóng mặt bằng.

Liên quan tới việc khai thác đất san lấp tại các công trình, dự án chưa đủ cơ sở pháp lý, để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đã đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép đơn vị vừa thi công đào đắp nền, vừa hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhưng không được chấp thuận.

 

Hiện nay, vướng mắc đất san lấp đối với các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được đánh giá không khác gì so với vướng giải phóng mặt bằng và nếu không sớm được tháo gỡ thì chủ đầu tư cũng phải tạm ngưng thi công các dự án.

Nhiều vụ khai thác đất quy mô lớn bị tuýt còi

Cuối tháng 2/2023, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) đã kiểm tra, tạm giữ các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển, san ủi đất từ Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông về dự án Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa. Lý do là việc khai thác đất tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định.

Theo các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, việc khai thác đất phục vụ san lấp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hai vướng mắc đối với việc xin cấp phép tận thu, sử dụng đất san lấp tại đây là vướng quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít tỉnh Đắk Nông và dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông cũng chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định (do đó không thể tận thu đất để san lấp cho công trình khác - PV).

Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chỉ huy trưởng Công trình quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, do không thể tiếp tục thi công liên quan tới đắp đất, san nền cho dự án nên đơn vị tạm thời ưu tiên thi công các hạng mục khác của công trình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ chủ đầu tư, các ngành chức năng hoàn thiện hồ sơ và đơn vị tiếp tục thi công theo kế hoạch. “Chúng tôi ngưng thi công san lấp, san nền cho dự án từ cuối tháng 2/2023 và đến nay đã gần 3 tháng” – ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Theo Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, việc khai thác đất thừa từ dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông đã được Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án thông qua và đã được phê duyệt vào tháng 7/2022. Thêm nữa, việc tận dụng đất là phù hợp với tình hình thực tế, vừa tránh lãng phí tài nguyên đất, vừa không tốn chi phí vận chuyển để đổ bỏ. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các dự án do Ban làm chủ đầu tư cũng như các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Liên quan tới việc đất san lấp trong hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát địa chất đã được thẩm định nhưng sau đó việc đào đắp, vận chuyển đất vẫn bị tuýt còi vì sai quy định, đại diện Sở Xây dựng Đắk Nông khẳng định trong quá trình thẩm định hồ sơ, đơn vị này chỉ kiểm tra các nội dung liên quan tới chất lượng đất san lấp, cự ly vận chuyển… đã được đơn vị thiết kế tính toán. Việc khai thác, vận chuyển đất có đúng quy định hay không liên quan tới ngành tài nguyên – môi trường và Sở Xây dựng không thẩm định, đánh giá vấn đề này.

Đầu tháng 5/2023, UBND thành phố Gia Nghĩa cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát, tham mưu phương án xử lý đối với một doanh nghiệp tự ý đào đắp, san ủi mặt bằng thi công công trình trên địa bàn. Theo đó, Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông, nhà thầu thi công dự án nâng cấp, cải tạo đường Lê Thánh Tông (thành phố Gia Nghĩa) bị xác định đã khai thác trái phép gần 50.000m3 đất để đắp nền cho dự án, phục vụ thi công công trình.

Theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Gia Nghĩa, hiện trên địa bàn thành phố cũng như cả tỉnh đều chưa có mỏ đất đắp, đất đào. Tình trạng này khiến các công trình mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng do đơn vị làm chủ đầu tư phải tạm dừng triển khai thi công việc đào, đắp, lu lèn mặt bằng. Ban đã kiến nghị nhiều lần và UBND thành phố Gia Nghĩa cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan nhưng đến nay vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa, để đảm bảo tiến độ thi công các công trình, dự án, UBND thành phố thường xuyên đôn đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong số này, có nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò quan trọng trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cũng như hoàn thiện bộ mặt đô thị thành phố.

“Chủ đầu tư hối thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhà thầu hỏi lại là đất đâu để đào đắp? Mà nếu không đào đắp thì làm sao thi công các hạng mục, phần việc tiếp theo để hoàn thành công trình? Chúng tôi chỉ còn biết báo cáo và xin ý kiến của của tỉnh, của các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ vấn đề này", ông Đỗ Tấn Sương chia sẻ thêm.

Quyết liệt tháo gỡ nhưng kết quả khiêm tốn

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã tiến hành thủ tục đăng ký, xin cấp phép khai thác, đào đắp đất tại tất cả các công trình do đơn vị làm chủ đầu tư. Đến nay mới chỉ có 3 dự án đủ điều kiện và được cấp phép khai thác, tận thu đất làm vật liệu san lấp với tổng khối lượng khoảng 200.000m3.

Theo báo cáo của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, hiện đơn vị còn thiếu ít nhất 1 triệu m3 đất san lấp cho các công trình dự án đang thi công; trong đó có nhiều dự án trọng điểm. Nếu vướng mắc về đất san lấp không sớm được giải quyết thì đơn vị không thể hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Tình trạng này cũng sẽ kéo theo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đối với các dự án do Ban làm chủ đầu tư cũng như của toàn tỉnh Đắk Nông khó đạt được kế hoạch đề ra.

Việc xin phép sử dụng đất làm vật liệu san lấp tại một số công trình, dự án lớn đang tiếp tục vướng mắc, dẫn tới việc thi công bị đình trệ. Điển hình như tại dự án khu tái định cư B, dự án trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, dự án nâng cấp cải tạo các tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 5… Trong khi đó đang bắt đầu bước vào mùa mưa và nhà thầu không thể thi công đào, đắp, lu lèn đất trong khoảng 4 – 5 tháng tới, cho dù có được cấp phép trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: hai khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng quy hoạch mỏ bô xít và vướng quy hoạch chung nên chưa cấp phép được mỏ đất phục vụ đào đắp tại các công trình.

Hiện hầu hết các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông đều có khối lượng đào đắp lớn và việc thi công nội dung này đều đang tạm ngưng. Bên cạnh đó, khoảng 50% các công trình, dự án cơ sở hạ tầng, đường giao thông thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng vướng quy hoạch bô xít nên việc triển khai rất chậm trễ, không đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

Theo thông báo kết luận cuộc họp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong qua trình triển khai một số công trình trọng điểm trên địa bàn trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và các điều kiện cần thiết để Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương.

Mục tiêu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản (quặng bô xít) liên quan đến đầu tư xây dựng các công trình phát triển kinh tế – xã hội và vướng mắc về trình tự, thủ tục xác định khối lượng đào, đắp tại các công trình xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ động chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các phương án sử dụng nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình, kể cả cho dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); giao UBND các huyện, thành phố căn cứ hồ sơ quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để chuẩn bị các điều kiện cần thiết trình cấp phép vật liệu san lấp ngay sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 15/5, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 730/hơn 3.200 tỷ vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 19,1%. Hiện nay, dự kiến nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, điển hình như dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng); Dự án nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông (tổng vốn đầu tư 753 tỷ đồng)… sẽ không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 do vướng mắc liên quan tới đất san lấp và có khả năng phải điều chuyển vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục