Gỡ vướng pháp lý cho doanh nghiệp để phát triển bền vững

10:38' - 03/05/2023
BNEWS Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ gỡ các “nút thắt” về thể chế cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 ( Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022) về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” với rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, kịp thời, đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

 
*Gỡ các “nút thắt” về thể chế

Luật sư Đường Ngọc Hân, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á đánh giá, những nội dung tại Nghị quyết 27 là tiền đề kiến tạo hành lang pháp lý phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng trong giai đoạn mới. Cụ thể, Nghị quyết tập trung vào các nhiệm vụ gồm: Xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp; xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Nghị quyết 27 được ban hành, cùng với sự tích cực của Chính phủ trong việc tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Luật sư Đường Ngọc Hân lưu ý đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành “điểm nghẽn” của môi trường đầu tư.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh rất nhiều về tình trạng chồng chéo giữa các luật về đầu tư, trong đó nhiều quy định liên quan đến đất đai, đấu thầu, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã rà soát 88 luật có nội dung quy định đề cập đến vấn đề đất đai, trong đó xác định có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai.

Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng thực hiện rà soát 84 văn bản và phát hiện 12 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo và 24 nội dung quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Hiện các dự thảo Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tổng kết thi hành đầy đủ, đánh giá tác động các chính sách mới khá toàn diện. Sự chuẩn bị công phu, tích cực của các cơ quan làm luật đưa đến hy vọng các chính sách tới sẽ tháo gỡ các “nút thắt” của thể chế, khai thông các “điểm nghẽn” của hoạt động đầu tư.

*Đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm trong xây dựng pháp luật

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, một trong những yêu cầu mà Nghị quyết đặt ra là hệ thống pháp luật phải “kịp thời”. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, bộ máy phải tinh gọn, để vượt qua được “căn bệnh mãn tính” là chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải có giải pháp mạnh mẽ, trong đó cũng đòi hỏi tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong xây dựng pháp luật.

Nhấn mạnh các quy định nằm trong phòng lạnh, không gắn với thực tế sẽ làm khổ doanh nghiệp, ông Huỳnh cho rằng, khi xây dựng pháp luật liên quan đến kinh doanh, nếu không kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp hay luật sư, chuyên gia… sẽ bị luẩn quẩn trong vòng mâu thuẫn chồng chéo, không khả thi, không hợp lý, không hiệu quả.

Nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 27 đặt ra là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng công tác xây dựng chính sách, pháp luật hiện nay vẫn "theo kiểu phòng lạnh, không đi vào thực tế".

“Muốn đưa luật vào cuộc sống, trước hết phải đưa cuộc sống vào pháp luật, phải nghe ý kiến của doanh nghiệp trước để biết họ cần gì chứ không phải chúng ta muốn gì", ông Đinh Dũng Sỹ nêu quan điểm.

Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi và xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân từ đó tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò trung tâm, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng thu nhập những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp với Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi và tiếp thu, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp, kịp thời.

Ngoài ra, ông Đinh Dũng Sỹ đề nghị cần quan tâm đến khâu tổ chức thực thi, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trong các mối quan hệ với doanh nghiệp. Bởi theo ông, tất cả những vấn đề tham ô, tham nhũng đều ở cách xử lý, cách thức làm việc, phong cách, đạo đức công vụ… của người công chức đối với doanh nghiệp.

Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải cách các quy định kinh doanh thông qua dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME) theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP (về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025), rà soát của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, vẫn còn không ít điểm nghẽn, gánh nặng về quy định mà các doanh nghiệp đang phải chịu trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, cơ quan này đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định kinh doanh. Thông qua kênh tương tác hai chiều này, người dân, doanh nghiệp có thể góp ý các quy định kinh doanh dự kiến ban hành, theo dõi việc giải trình, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành. Đây cũng là kênh tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh hiện hành, hỗ trợ tổng hợp, phân tích dữ liệu phản ánh, kiến nghị, giúp phát hiện vấn đề còn tồn tại, bất cập để có phương án giải quyết xử lý, khơi thông, bãi bỏ các quy định là rào cản hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục