Gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU phải có giấy phép FLEGT

17:00' - 07/01/2019
BNEWS Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ sang 28 nước của EU, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời. Việt Nam không xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang EU.
Người dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) khai thác gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Chiều 7/1, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã có cuộc chia sẻ với báo chí về việc Việt Nam và Liên minh châu Âu hướng tới phê duyệt Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ sang 28 nước của EU, chủ yếu là sản phẩm gỗ ngoài trời. Việt Nam không xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang EU.

Tất cả những sản phẩm gỗ xuất sang EU được thực hiện kiểm soát chặt chẽ và không có gỗ tự nhiên.

EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ.

Tiềm năng của thị trường này khá lớn và Việt Nam sẽ có điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa nếu thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT nghiêm túc.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, vấn đề minh bạch nguồn gốc gỗ nhập khẩu, kiểm soát chuỗi cung từ các quốc gia là vấn đề Việt Nam rất quan tâm trong suốt 6 năm đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vừa qua.

Để kiểm soát nguồn gốc gỗ, trước hết là cần có hệ thống pháp luật tốt. Trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác về kiểm soát nguồn gốc gỗ, mới đây, Việt Nam đã ban hành Luật Lâm nghiệp. Trong luật đã đề cao việc kiểm soát chuỗi cung ứng trong sản xuất.

Lần đầu tiên, Việt Nam đã có Hệ thống đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS), cùng với đó là việc tăng mức xử phạt đối với các vi phạm.

“Việt Nam có niềm tin thực hiện được, vì kiểm soát nguồn gốc gỗ, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp không chỉ là quy định của EU mà Việt Nam cũng mong muốn hướng đến phát triển bền vững”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo bà Heidi Hautala, thực thi hiệp định, tất cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ phải có giấy phép FLEGT.

Do đó, cần tập trung từ giai đoạn này để thúc đẩy các công việc của mỗi bên. EU đã và đang ký hiệp định với 16 quốc gia. Hiệp định này với Việt Nam là hiệp định thứ 2 tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia.

EU mong muốn xóa bỏ khai thác gỗ bất hợp pháp, đảm bảo rằng cả chuỗi cung ứng sẽ không có gỗ bất hợp pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn nữa của người tiêu dùng châu Âu, đó là sản phẩm hợp pháp. Việt Nam có tiềm năng cao để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu gỗ sang EU.

Bà Heidi Hautala nhấn mạnh, Việt Nam cần thực hiện tất cả các nỗ lực để đảm bảo rằng trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại ở việc thực hiện trách nhiệm trên giấy tờ.

Do vậy, Nghị viện châu Âu đặc biệt quan tâm đến các công việc chuẩn bị liên quan đến việc thực hiện hiệp định với Việt Nam.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện hiệp định, bao gồm việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các bên liên quan trong quá trình thực hiện hiệp định.

Trong chuyến công tác từ ngày 7-9/1 tại Việt Nam, bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu có chuyến thăm, làm việc, tìm hiểu tình hình thực tế tại tỉnh Gia Lai và Tp. Hồ Chí Minh nhằm chuẩn bị trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định với Việt Nam.

Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT đã được hai bên ký vào ngày 19/10/2018 tại Brussels.

Trước khi Hiệp định VPA có hiệu lực, mỗi bên cần hoàn thiện các thủ tục phê duyệt hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi bên.

Về phía Việt Nam, Hiệp định VPA là điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ.

Về phía EU, Hiệp định VPA cần phải được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu để phê duyệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục