Gói trừng phạt Iran thứ hai của Mỹ chính thức có hiệu lực

10:07' - 05/11/2018
BNEWS Đúng như tuyên bố, gói trừng phạt thứ hai của Mỹ chủ yếu nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng chính thức có hiệu lực ngày 5/11.
Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN 

Có thể thấy Mỹ đang quyết tâm siết chặt “gọng kìm” đối với Iran trên mọi lĩnh vực bằng việc khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này, phá vỡ các kênh hợp tác giữa các nước với Tehran.

Với việc siết chặt trừng phạt, Washington muốn gây sức ép tối đa để buộc Iran phải thỏa hiệp và thậm chí nhượng bộ, như Ngoại trưởng Mỹ từng tuyên bố rằng phải làm cho “Chính phủ Iran có sự thay đổi lớn”. Nhà Trắng cũng hy vọng khi lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Tehran trong khu vực sẽ giảm sút.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Iran, đặc biệt Tổng thống Hassan Rouhani, đã nhiều lần lên tiếng trấn an người dân, thì đây chắc chắn vẫn là đợt tấn công quyết liệt, toàn diện thực sự khiến kinh tế Iran chịu “cú sốc”.

Đây có thể coi là “đòn chí mạng” nhằm "triệt tiêu" toàn bộ nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu.

Dự báo lượng dầu xuất khẩu của Iran có thể sẽ sụt giảm tới 2/3. Một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran, trong khi nhiều nước sẽ phải giảm lượng nhập khẩu.

Iran khó tránh khỏi những khó khăn về trung và dài hạn khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm đi, đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, thất nghiệp tăng cao… Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), nền kinh tế Iran có thể suy giảm 3% trong năm nay và 4% vào năm 2019.

Tuy nhiên, nhìn vào những động thái vừa qua, vẫn có cơ sở để tin rằng Iran đủ nội lực và sự “trợ giúp” cần thiết nhằm chống đỡ và hạn chế các đòn trừng phạt của Mỹ.

Kể từ khi Mỹ áp đặt gói trừng phạt đầu tiên hồi tháng 8, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, khách quan mà nói Iran đã kịp thời có những bước đi mang tính chủ động để thích nghi và ứng phó với đợt trừng phạt thứ hai này.

Điều đó có thể thấy từ cuộc cải tổ nội các gần đây, với việc ông Farhad Dejpasand trở thành tân Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Iran. Bên cạnh đó, Iran đã tích cực “bắt tay” hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ….

Mỹ cũng miễn trừ trừng phạt ít nhất 8 nước mua dầu mỏ của Iran. Theo các chuyên gia, Mỹ không đủ khả năng để gây sức ép hay cùng lúc “tuyên chiến” với nhiều đối thủ, vì điều này dễ gây ra những tác động ngược, thậm chí là bất lợi cho chính nước Mỹ.

Chuyên gia năng lượng của hãng EIU (Anh) Peter Kiernan cho rằng, trong một chừng mực nào đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phải “linh hoạt” với các nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Còn chuyên gia kinh tế Trung Quốc Kingji Su dự báo rằng nền kinh tế Iran có thể vượt qua được các biện pháp trừng phạt của Mỹ và giảm thiểu tối đa tác động, vì những biện pháp này không được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

EU, Pháp, Đức, Anh và nhiều đồng minh của Mỹ đã chỉ trích gay gắt Washington áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran, đồng thời cam kết bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu làm ăn hợp pháp với Tehran.

Những khách hàng mua dầu mỏ của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ không chấp nhận cắt đứt quan hệ với Tehran, mà nhiều khả năng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo tờ The Wall Street Journal, Trung Quốc sẽ không cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran, nhất là khi Washington đang phát động “cuộc chiến tranh kinh tế” với Bắc Kinh.

Nhà phân tích Joe McMonigle thuộc hãng nghiên cứu đầu tư Hedgeye Risk Management, tin rằng Mỹ sẽ phải chấp nhận “để” Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Iran ở một mức độ nào đó. Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Iran, nhập khẩu khoảng 500.000 đến 800.000 thùng/ngày.

Trong vấn đề này cũng cần nhắc tới vai trò của các nước châu Âu. Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê chuẩn gói viện trợ tài chính cho Iran với trị giá 50 triệu euro.

Đây là khoản viện trợ không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng, phần nào thể hiện thiện chí và cam kết của EU, đặc biệt những cường quốc đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân, trong việc duy trì quan hệ hợp tác với Tehran bất chấp sức ép từ Mỹ.

EU dự kiến sẽ áp dụng cơ chế đặc biệt để hợp tác thương mại với Iran, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Iran tránh những biện pháp trừng phạt của Washington.

Nếu châu Âu thành công trong việc tạo ra một hệ thống tài chính độc lập và không bị đồng USD chi phối, các nước khác cũng có thể làm được điều đó hoặc chuyển sang sử dụng đồng euro để giao dịch với Iran. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ… có thể sử dụng đồng nội tệ để giao dịch trực tiếp với Iran.

Các chuyên gia khu vực tin rằng Saudi Arabia và một số đồng minh của Riyadh không đủ khả năng bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran, ước tính có thể cung cấp 2,5 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ có biến động trong thời gian tới, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau nếu cung không đủ cầu. Khi ấy Iran vẫn có khả năng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao.

Dù lượng dầu xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm sút nhưng Iran vẫn có thể duy trì ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, không loại trừ Iran có thể thông qua nước láng giềng Iraq để tiếp tục bán dầu.

Cũng có ý kiến cho rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ gây tổn hại cho Tehran chứ không tạo ra một chiến thắng thực sự cho chính quyền Tổng thống Trump và Mỹ chẳng được lợi lộc gì từ việc làm này mà trái lại chỉ kích động làn sóng “bài” Mỹ ở Trung Đông.

Có thể nói, Iran là một thế lực nổi trội và có nhiều tiềm lực thực sự trong khu vực. Nếu bị “dồn vào đường cùng”, Tehran có thể sử dụng các “quân bài”, như nối lại chương trình hạt nhân, rút khỏi thỏa thuận với nhóm P5+1 hoặc phong tỏa Eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.

Ngoài ra, Iran cũng có thể kết nối các phong trào hay lực lượng vũ trang dòng Hồi giáo Shi’ite trong khu vực, vốn được họ hậu thuẫn lâu nay, cùng với Tehran phát động làn sóng phản kháng Mỹ.

“Kịch bản” này có thể khiến Trung Đông rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm và khó lường bởi vốn dĩ mâu thuẫn giáo phái giữa dòng Sunni và Shi’ite bao năm nay chưa được hóa giải, khi đó sẽ chuyển thành đối đầu giữa một bên là Mỹ và các đồng minh khu vực và một bên là phe Hồi giáo Shi’ite do Iran đứng đầu.

Nhiều người nói rằng ở Trung Đông, sự liên quan giữa dầu mỏ và chính trị luôn cực kỳ phức tạp, dầu mỏ có thể trở thành vũ khí tấn công và đôi khi lại là mồi lửa đủ để biến cả khu vực thành “chảo lửa” chẳng thể dập tắt.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho trật tự thế giới.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trả lời phỏng vấn tại Tehran ngày 22/10/2018. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trên phương diện này, việc Mỹ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương khi nhiều lần phá vỡ những cơ chế hợp tác, thỏa thuận đa phương, bất chấp lợi ích của các đồng minh, có thể khiến Washington bị cô lập./.

>>>Nga duy trì hợp tác kinh tế với Iran bất chấp lệnh trừng phạt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục