Gợi ý những thay đổi trong chương trình nghị sự thương mại của ông Biden

06:30' - 20/12/2020
BNEWS Tạp chí Chính trị Thế giới đăng bài viết phân tích về ứng viên được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), bà Katherine Tai.

Bà Katherine Tai, 46 tuổi, người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ, đã phát biểu rằng: "Thương mại giống như bất kỳ công cụ nào khác trong chính sách đối nội hay đối ngoại của chúng ta. Bản thân thương mại không phải là một sự kết thúc. Nó là một phương tiện để tạo thêm hy vọng và cơ hội cho mọi người".

Những phát biểu của vị quan chức thương mại này có vẻ hiển nhiên. Nhưng chúng cũng gợi ý về những gì có thể trở thành một sự thay đổi đáng kể trong định hướng chính sách thương mại dưới thời tổng thống mới. 

Kể từ thời kỳ các cuộc đàm phán thương mại song phương và khu vực bắt đầu vào giữa những năm 1980, nhiệm vụ của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ là tham gia các hiệp định thương mại nhiều hơn bao giờ hết, tin rằng lợi ích của việc giảm thuế quan, các quy tắc rõ ràng hơn và thương mại mở rộng sẽ đến với người dân Mỹ. 

Nhiệm vụ đó được chia sẻ bởi các Đại diện Thương mại dưới thời các tổng thống của đảng Cộng hòa, như Carla Hills và Robert Zoellick, và những người thuộc đảng Dân chủ, như Charlene Barshefsky và Michael Froman.

Theo "chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu" của ông Biden, câu hỏi làm thế nào để liên kết chính sách thương mại với đổi mới kinh tế trong nước đang chiếm vị trí chủ đạo. 

Cố vấn An ninh Quốc gia được đề cử Jake Sullivan, thuộc nhóm các nhà nghiên cứu tại Carnegie Endowment, đã đưa ra một số báo cáo lập luận rằng chính sách đối ngoại của Mỹ nên được định hướng lại để giải quyết các mối quan tâm kinh tế của tầng lớp trung lưu. 

Ông Sullivan cũng là người chủ trì soạn thảo cương lĩnh "Xây dựng lại tốt hơn" của ông Biden, tập trung vào các khoản đầu tư cho các cộng đồng và công nhân Mỹ. 

Bà Susan Rice, người từng là Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối nội của Nhà Trắng, cho thấy thêm rằng ranh giới giữa chính sách đối ngoại và đối nội sẽ trở nên đặc biệt mờ nhạt dưới thời chính quyền của ông Biden.

Không giống như một số lựa chọn trước đây cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ, bà Tai có các kinh nghiệm thương mại rất sâu sắc, đặc biệt là về Trung Quốc, và đặc biệt bà có thể sử dụng thông thạo tiếng Quan Thoại trong xử lý các vụ kiện thương mại đưa tới Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời ông Obama. 

Nhưng phẩm chất quan trọng nhất của bà Tai chính là công việc kể từ năm 2017 với tư cách là cố vấn thương mại chính cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, nơi bà đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự ủng hộ của đảng Dân chủ cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ sửa đổi - hiện đã đổi tên thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - bằng cách nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn lao động khắc nghiệt nhất từng có trong một thỏa thuận thương mại.

Trong một trong những lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng vào tháng Tám năm ngoái tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP), bà Tai nói rằng, trong chính sách thương mại, "một trong những bài học quan trọng nhất là có được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ", cả trong Quốc hội và công chúng. Bà lập luận rằng, duy trì sự ủng hộ như vậy sẽ rất quan trọng khi Mỹ đối mặt với thách thức thương mại đang gia tăng từ Trung Quốc.

Ở đây có sự "lặp lại" cách tiếp cận đối với thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ông Trump chỉ trích các thỏa thuận thương mại trong quá khứ vì đã không bảo vệ được công nhân sản xuất của Mỹ và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ chính trị. 

Ông Lighthizer khi nhậm chức đã cam kết khôi phục hợp tác lưỡng đảng về thương mại và trên thực tế đã đạt được những bước tiến lớn theo hướng đó. Nhờ sự tiếp cận của ông Lighthizer với các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện, USMCA đã được thông qua tại Hạ viện với tỷ lệ bỏ phiếu 385-41, mức độ ủng hộ của lưỡng đảng đối với một thỏa thuận thương mại lớn chưa từng thấy kể từ những năm 1980.

Nhưng cũng giống như những người tiền nhiệm, ông Lighthizer chỉ là một người kiến tạo thỏa thuận. Trong khi đó, văn phòng USTR lại không thành công khi cố tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thông qua Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của ông Trump. 

Trong khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm 12 nước thành viên, ngay sau khi nhậm chức, ông Lighthizer vẫn đàm phán một loạt "thỏa thuận nhỏ" với Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, Ecuador và những nước khác.

Nhưng chính quyền của ông Trump chưa bao giờ thực hiện bước tiếp theo trong việc cố gắng đảm bảo rằng tất cả những việc ký kết các thỏa thuận này đều mang lại lợi ích thực sự cho những người dân Mỹ.

Trong lần xuất hiện vào tháng Tám, bà Tai đã đưa ra những lời chỉ trích thận trọng về cách tiếp cận của ông Lighthizer, cho rằng nó đã quá tập trung vào các biện pháp "phòng thủ" như thuế quan và các biện pháp trừng phạt thương mại khác và thiếu các biện pháp "tấn công" cần thiết. 

Mặc dù bà Tai không đưa ra các chi tiết cụ thể vào thời điểm đó, nhưng ông Biden đã nhiều lần nói về các kế hoạch táo bạo trong nước về cơ sở hạ tầng, mức lương tối thiểu, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ người lao động và đầu tư cộng đồng.

Theo bài báo, bà Tai sẽ không gặp nhiều khó khăn để giành được sự ủng hộ trong nước vì có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc - một lý do khiến chính sách thương mại của chính quyền ông Biden có thể ít thay đổi đối với Trung Quốc hơn là đối với châu Âu và các đối tác thương mại lớn khác của Mỹ. 

Bà Tai nói rằng sẽ có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với việc sử dụng các bước đi "mạnh mẽ và táo bạo" để cạnh tranh với Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Biden cũng nói rằng, ông sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ các mức thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump. 

Và những quan ngại truyền thống của đảng Dân chủ về nhân quyền và tự do chính trị ở Trung Quốc có thể thêm một yếu tố bất ổn khác vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Bắc Kinh.

Nhưng câu hỏi lớn nhất đối với nhiệm kỳ của bà Tai là liệu chính trị trong nước có tạo cho chính quyền của ông Biden không gian để theo đuổi chương trình nghị sự "gây khó chịu" đó hay không. Phần lớn trong số các vấn đề đó sẽ là "con tin" của các nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội, những người chia sẻ một số ưu tiên kinh tế Mỹ của ông Biden hoặc công khai thù địch.

Trừ khi đảng Dân chủ vượt qua cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng tới ở bang Georgia, nếu không ông Biden sẽ phải đối mặt với Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, trong khi đảng Cộng hòa cũng đã giành được thêm ghế ở Hạ viện. 

Ông Biden đã thẳng thắn nói rằng ông sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào "cho đến khi chúng tôi thực hiện các khoản đầu tư lớn ở trong nước và cho các công nhân của nước Mỹ".

Ngay cả khi có dư địa để tiến tới các cuộc đàm phán thương mại mới, bà Tai cũng khó có thể tìm thấy sự ủng hộ của đảng Cộng hòa về các vấn đề thương mại giống như ông Lighthizer đã được hưởng. Đối với rất nhiều vấn đề, một số đảng viên Cộng hòa vẫn giữ vững quan điểm và ủng hộ thuế quan. 

Sau nhiệm kỳ của ông Trump, đảng Cộng hòa có khả năng bị rạn nứt về thương mại giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế và các thương nhân tự do truyền thống của đảng, khiến công việc tìm kiếm sự đồng thuận khó khăn hơn nhiều.

Việc bổ nhiệm bà Tai đã làm dấy lên những hy vọng đáng kể. Như chuyên gia Shawn Donnan của Bloomberg đã chỉ ra, việc đề cử đối với bà Tai là một bước nhảy vọt mang tính thế hệ, bà sẽ là Đại diện Thương mại đầu tiên của Mỹ trong nhiều thập kỷ không bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến thương mại sau NAFTA. Thực sự có một cơ hội cho một cách tiếp cận mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục