Google vướng rắc rối pháp lý tại Canada

11:15' - 29/06/2017
BNEWS Vụ việc gây chú ý khi xung đột giữa luật bảo vệ bản quyền và hoạt động thông tin trên mạng Internet.

Ngày 28/6, Tòa án Tối cao Canada đã ra lệnh cho Google xóa một trang mạng khỏi hệ thống tìm kiếm của hãng này, theo đó các thông tin liên quan đến website trên sẽ không xuất hiện trên kết quả tìm kiếm toàn cầu. 

Google vướng rắc rối pháp lý tại Canada. Ảnh: EPA/TTXVN

Tòa án Tối cao đã ra lệnh giữ nguyên phán quyết của một tòa án cấp thấp hơn yêu cầu Google xóa toàn bộ các thông tin về một website liên quan tới một công ty của Canada.

Công ty này bị hãng sản xuất thiết bị viễn thông Equustek Solutions cũng của Canada kiện vì đã sử dụng sản phẩm của Equustek nhưng lại tuyên bố đây là sản phẩm của họ. Google đã xóa 345 trang website của công ty vi phạm tại Canada.

Công ty trên sau khi thua kiện đã rời Canada nhưng vẫn duy trì hoạt động tiếp thị phi pháp của mình. Equustek sau đó đã đề nghị Google tiếp tục xóa toàn bộ các thông tin liên quan tới công ty này trên phạm vi toàn cầu.

Trong một phản ứng đầu tiên, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực tìm kiếm đã phản đối đề nghị trên. Tại tòa, luật sư của Google lập luận rằng hãng này không phải bên liên quan trong vụ tranh chấp và đề nghị của Equustek là "vượt quá giới hạn", đe dọa tới quyền tự do tiếp cận thông tin của người dùng Internet.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Canada đã kết luận nếu không có sự can thiệp của tòa án, "rõ ràng là Google sẽ tiếp tục dung túng cho các hành vi gây tổn hại tới lợi ích của Equustek".

Phán quyết của tòa nhấn mạnh Internet là môi trường toàn cầu không có biên giới, cách duy nhất để các phán quyết của tòa đạt được mục tiêu là áp dụng trên phạm vi mà Google hoạt động, nghĩa là trên quy mô toàn cầu.

Nhiều tập đoàn truyền thông, nhà xuất bản, các tổ chức bản quyền và nhóm hoạt động dân sự lo ngại phán quyết trên của Tòa án Tối cao Canada sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.

Các chính phủ và các thực thể thương mại có thể dựa vào trường hợp này để đưa ra các yêu cầu kiểm duyệt nghiêm ngặt có thể khiến nhiều thông tin biến mất khỏi thế giới mạng vì một phán quyết của tòa án của một nước, dù cho những nội dung này hoàn toàn hợp pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục