Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp

14:28' - 27/11/2019
BNEWS Hiện chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương.
Hội thảo “Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai”. Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Sáng 27/11 tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Vụ Pháp chế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai”.

Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện quy mô sản xuất nông nghiệp hộ rất thấp. Điều này gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam tham gia sâu vào nông nghiệp toàn cầu.

Sản phẩm phải cạnh tranh rất gay gắt với các hàng rào phi thuế quan đang lên cao như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Nhà nước cũng có chủ trương, chính sách khuyến khích chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất nhưng thực tế quá trình này diễn ra rất chậm. Nhu cầu ruộng đất cho sản xuất rất cao nhưng khuôn khổ pháp lý chưa thực sự thuận lợi.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nghị định về đất đai nhằm thúc đẩy thị trường, quá trình tích tụ, tập trung đất đai để nó trở thành nguồn lực tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thị trường chuyển quyền sử dụng đất qua hình thức góp vốn hiện không phổ biến. Chỉ có góp vốn bằng đất để trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp, một số hợp tác xã có góp vốn bằng đất nhưng thực tế chỉ liên kết đầu vào - đầu ra.

Với thị trường cho thuê quyền sử dụng đất, cụ thể là doanh nghiệp thuê đất khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân, chỉ cần vài hộ không đồng ý cũng dừng lại dự án.

Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án thì buộc hộ thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm, chuyển đổi cho nông dân.

Hay việc đất đi thuê không thể thế chấp vay tín dụng, bà Trần Thị Thanh Nhàn cho rằng, cần xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5-10 năm trở lên có thể thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn, bảo lãnh tín dụng dựa vào tài sản trên đất.

Khó tích tụ, tâp trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: Thanh Hòa - TTXVN

Là một địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bà Khổng Thị Thịnh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết, do hiện chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương.

Hầu hết các mô hình tích tụ chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương. Đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua hợp tác xã và UBND xã.

Hay đối với diện tích đất 5% công ích do UBND xã quản lý, UBND xã chỉ được phép cho gia đình cá nhân thuê theo hình thức đấu giá, thời gian cho thuê tối đa 5 năm. Thời gian này chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ, tập trung và doanh nghiệp không được thuê diện tích đất này.

Một số dự án sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ khi triển khai dự án phải chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp cho giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà điều hành, nhà bào quản… Như vậy sẽ vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, về quản lý sử dụng đất trồng lúa.

Với dự thảo Nghị định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, bà Khổng Thị Thịnh cho biết, tỉnh rất phấn khởi, nếu ban hành sớm sẽ tháo gỡ được cho tỉnh cũng như nhiều địa phương khác.

Bà Khổng Thị Thịnh kiến nghị dự thảo nghị định cần làm rõ việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp chỉ thực hiện 1 trong 3 tiêu chí hay phải đảm bảo cả 3 tiêu chí là “tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Về thời hạn của phương án sản xuất, kinh doanh đề nghị với hộ gia định tối tiểu là 10 năm và 20 năm đối với tổ chức. Dự thảo Nghị định cần quy định rõ quy mô bao nhiêu được gọi là quy mô lớn. Đối với phương án phục hồi đất nông nghiệp sau khi kết thúc dự án đề nghị áp dụng đối với cả hộ gia đình và tổ chức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục