Thủ tướng: Đất đai cần được giao cho chủ thể trực tiếp quản lý, sử dụng có hiệu quả

15:47' - 18/11/2019
BNEWS Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW Bộ Chính trị, hầu hết các địa phương đã xử lý dứt điểm việc cắm mốc, xác định ranh giới, diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp quản lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN 
Tại hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, sáng 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2020.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mục tiêu này đã chậm, không thể chậm hơn. Địa phương, đơn vị nào còn chưa xong thì phải xử lý dứt điểm. Đây là mục tiêu của Chính phủ, của Đảng bộ các địa phương.

Trong quá trình sắp xếp, đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đất đai và tài nguyên rừng cần được giao cho những chủ thể trực tiếp quản lý, sử dụng có hiệu quả. Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Một là người dân, hai là công ty trực tiếp sản xuất, không được bán khoán, cho thuê để ở giữa hưởng lợi.

Để thực hiện được mục tiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, địa phương đóng vai trò quan trọng nhất, không ai làm thay được. Địa phương phải làm mạnh hơn, giải quyết dứt điểm các tồn tại, nhất là đất đai. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm tạo việc làm cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết tốt vấn đề tái định cư gắn với sử dụng hiệu quả đất đai, bảo vệ phát triển rừng.

Các đơn vị đã sắp xếp cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông, lâm hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chế biến; tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp, nhất là trong quản lý, sử dụng đất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ có tờ trình báo cáo Bộ Chính trị; trong đó có đề xuất các giải pháp để giải quyết một số vấn đề còn gặp nhiều khó khăn như đất đai để tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển mạnh mẽ, lâu dài; nâng cao đời sống người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế nông thôn.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, hầu hết các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp đã xử lý dứt điểm việc cắm mốc, xác định ranh giới, diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Nhờ thực hiện công khai, minh bạch, tình trạng khiếu kiện tranh chấp đất giữa các công ty nông, lâm nghiệp và người dân đã cơ bản giảm.

Đến ngày 30/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương (còn thành phố Hà Nội), tập đoàn, tổng công ty đạt 97,56%, với 253 công ty nông, lâm nghiệp, đạt 98,83%.

Trong tổng số 256 công ty nông, lâm nghiệp đã có 160 công ty hoàn thành sắp xếp, đạt 62,5%. Sau sắp xếp nhiều công ty có chuyển biến về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp. Việc tổ chức sản xuất kinh doanh gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm dần được khẳng định; áp dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất, nguồn vốn được tăng lên. Người lao động được sử dụng, chăm lo đời sống, giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Nhiều tồn tại về tài chính được xử lý, tạo tiền đề cho doanh nghiệp sau sắp xếp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, việc triển khai Nghị quyết đã giúp các công ty này minh bạch tài chính hơn, giải quyết tốt chính sách, chế độ đối với người lao động và quan trọng nhất hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng rõ rệt nhờ vào những thay đổi trong phương thức quản lý và quản trị doanh nghiệp. Hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp, công ty nông, lâm nghiệp sau khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi đã chủ động về tài chính, bước đầu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, không dựa vào ngân sách.

Hiện nay, có 69 công ty (gồm 44 công ty nông nghiệp và 25 công ty lâm nghiệp) đang thực hiện sắp xếp trong năm 2019, chiếm 26,95% tổng số công ty phải sắp xếp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm, nhất là đối với sắp xếp theo mô hình hai thành viên trở lên mới đạt 37,5% và có 27 công ty hiện chưa thực hiện việc sắp xếp.

Trước những khó khăn khi chuyển sang mô hình hai thành viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý cho biết, địa phương gặp khó trong việc lựa chọn đối tác đối với mô hình công ty TNHH hai thành viên. Các công ty quản lý nhiều đất nên nhiều đơn vị muốn tham gia làm đối tác. Khi có nhiều đơn vị như vậy, tỉnh không biết có nên đấu thầu hay không. Tỉnh mong các bộ, ngành Trung ương  hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh việc thực hiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc quản lý đất đai tại một số công ty còn phức tạp, vẫn còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty sau sắp xếp, hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn ít (91.419 ha/462.980 ha). 

Một số địa phương khi thực hiện sắp xếp chưa xử lý được các tồn tại về tài chính như: nguồn vốn vay dự án 327, vốn ODA (Sơn La, Yên Bái…), vốn vay ngân hàng (Nông trường Sông Hậu). Việc xử lý bán vườn cây khi giải thể còn vướng mắc do còn có quy định khác nhau về hình thức, đối tượng mua, bán tài sản là vườn cây, rừng trồng. Hay một số công ty nông, lâm nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng do năng lực tài chính hạn chế, dự án sản xuất kinh doanh chưa khả thi...

Trước những vướng mắc về đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân kiến nghị, Chính phủ rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất ... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; rà soát đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý.

Cùng với đó là tập trung nguồn lực để đến năm 2021 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng.

Lý giải nguyên nhân Hà Nội đến nay chưa có phương án tổng thể, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2016, thành phố đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án theo hướng 3 đơn vị của thành phố sẽ cổ phần hóa cùng công ty mẹ. Nhưng xuất hiện tình huống Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mong muốn kết hợp với các đơn vị này để sản xuất sữa.

Thành phố rà soát lại theo hướng 2 công ty chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên, 1 đơn vị cổ phần hóa theo công ty mẹ. Nhưng khi Ban chỉ đạo rà soát lại cho thấy, các đơn vị trên là đơn vị phụ thuộc nên thành phố lại phải quay trở lại phương án ban đầu là cổ phần hóa theo công ty mẹ.

Ông Nguyễn Doãn Toản cam kết trong tháng 11 này, thành phố sẽ hoàn thành phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục