Hà Giang mùa hoa tam giác mạch

10:25' - 30/11/2022
BNEWS Thời điểm trời chuyển se lạnh, bắt đầu từ tháng 10 tới tháng 12 là lúc hoa tam giác mạch đua nhau khoe sắc rợp trời nơi cao nguyên đá.

Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa một vẻ nhưng riêng vào dịp cuối năm, mùa hoa tam giác mạch nở, vùng cao nguyên đá như được khoác lên mình một màu áo mới, màu áo hồng dịu như làm mềm đi sự thô ráp, chai sạn của đá.

Cao nguyên đá hoang sơ vốn hùng vĩ, tráng lệ như mềm mại, duyên dáng hơn nhờ sắc hồng của hoa tam giác mạch. Một Hà Giang trọn vẹn trong sự hòa quyện của từng tầng cấu trúc địa hình và những màu sắc dịu dàng mà đất trời đã tô điểm trên vùng đất này.

 

Đến với Hà Giang, du khách dễ dàng cảm nhận rõ rệt sức sống bền bỉ, mãnh liệt của thiên nhiên, con người nơi đây với biểu tượng hoa tam giác mạch - loài hoa từ bao đời nay gắn bó với cuộc sống và văn hóa người dân vùng cao nguyên đá, mang vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết, thân mềm, mỏng manh nhưng ngày đêm kiên trì, chắt chiu từng chút đất, hơi sương, vươn mình khoe sắc, hiến dâng cho đời những hạt mạch trân quý.

Để chuẩn bị cho Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII năm 2022, Hà Giang đã chủ động gieo trồng hàng trăm ha hoa tam giác mạch. Địa phương được gieo trồng nhiều nhất là Đồng Văn - nơi diễn ra lễ hội với khoảng 250 ha, phân bổ chủ yếu dọc Quốc lộ 4C và cung đường Phố Là, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Táo, Má Lé, Lũng Cú…

Trải nghiệm các cung đường đèo uốn lượn, vắt mình qua những dãy núi đá được tô điểm bởi sắc trắng hồng của loài hoa tam giác mạch, du khách sẽ tận hưởng, đắm chìm trong khí trời, rồi tạm dừng chân bên đường, chiêm ngưỡng cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ của kỳ quan nơi địa đầu Tổ quốc. Đó là sức hút không thể cưỡng lại đối với khách du lịch khi đặt chân tới Hà Giang.

Bà Bùi Thị Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) không giấu được sự phấn khởi khi lần đầu đặt chân đến mảnh đất Hà Giang. Bà chia sẻ, trước đây, bà chỉ được nhìn, xem hình ảnh về Hà Giang trên báo chí và trang mạng xã hội. Đây là lần đầu tiên bà đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Bà cảm thấy con người Hà Giang thân thiện, phong cảnh đẹp, hoang sơ, kỳ vĩ, đặc biệt là vào mùa hoa tam giác mạch.

Đến từ Hà Nội, anh Hoàng Văn Hiếu cho rằng, cảnh sắc Hà Giang đẹp, hoang sơ. Anh chọn phương tiện di chuyển là xe máy với quãng đường gần 150 km từ thành phố Hà Giang đến Đồng Văn để cảm nhận hết nét đẹp, được tận hưởng bầu không khí trong trẻo của mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.

Khi đặt chân tới cao nguyên đá, du khách không khỏi choáng ngợp bởi những rừng hoa tam giác mạch rộng lớn. Đi tới đâu, du khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp loài hoa xinh đẹp này, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến một số điểm ngắm hoa như: Lũng Táo, Lũng Cú, Sủng Là, Phó Bảng hay chân đèo Mã Pì Lèng.

Với những cánh đồng hoa tam giác mạch, khoảng trời cao nguyên trở nên trữ tình và thơ mộng. Hoa tam giác mạch sáng rực giữa những cánh đồng, sắc hoa hồng tím đan xen, tạo cảm giác như lạc giữa mênh mông đất trời.

Thời điểm trời chuyển se lạnh, bắt đầu từ tháng 10 tới tháng 12 là lúc hoa tam giác mạch đua nhau khoe sắc rợp trời nơi cao nguyên đá. Nhờ vẻ đẹp mong manh nhưng đầy quyến rũ và tràn đầy sức sống, loài hoa này đã tạo nên một điều thật đặc biệt cho trời thu nơi địa đầu Tổ quốc.

Nhằm tôn vinh loài hoa tam giác mạch - biểu trưng của tỉnh Hà Giang và cũng là dịp để tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống đặc sản của đồng bào các dân tộc, quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch Hà Giang nói riêng, vùng Việt Bắc nói chung, Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII năm 2022 chủ đề “Sức sống cao nguyên đá” đã khai mạc tối 26/11 tại huyện Đồng Văn.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Triệu Thị Tình, trong dịp lễ hội, lượng khách đến với địa phương rất lớn, lên tới trên 100.000 lượt.

"Để đảm bảo an ninh, an toàn và giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất khi đến Hà Giang, ngay từ đầu năm, khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, các tiểu ban thống nhất, lên phương án tạo mọi điều kiện tốt nhất đảm bảo an toàn cho du khách", bà Triệu Thị Tình cho biết thêm.

Lượng du khách đến Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng rất lớn. Thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng kẻ xấu mạo danh nhân viên bán phòng lưu trú để lừa đảo du khách.

Để kịp thời ngăn chặn kẻ xấu lừa đảo, bảo vệ quyền lợi và an toàn cho du khách, đồng thời giữ gìn hình ảnh thương hiệu du lịch Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị du khách khi đặt phòng nghỉ cần lưu ý, xác nhận với số điện thoại chính thức của homestay, khách sạn thường được công khai trên fanpage hoặc website của cơ sở lưu trú đó./.

>>>Lễ hội Gầu Tào - nét văn hóa dân gian độc đáo trên quê hương Hoàng Su Phì

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục