Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng

17:07' - 22/04/2020
BNEWS Ngành ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hơn 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng.
Ngày 22/4, tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã khẳng định, toàn ngành ngân hàng đang rất quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng; miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 trên 1.000 tỷ đồng

Riêng với Ngân hàng Chính sách Xã hội, đã thực hiện gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng với dư nợ 2.815 tỷ đồng, cho vay mới đối với 516.668 khách hàng với dư nợ 18.825 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ, do đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho khách vay vốn, triển khai hỗ trợ.

Đăc biệt, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng các tổ chức tín dụng phải chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi dịch kết thúc.

“Các tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thì phải sử dụng để tăng trích lập dự phòng. Trong số đó, sử dụng tối đa việc giảm chi phí để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng công bố kết quả số liệu kinh doanh phải giải thích rõ ràng để dư luận chia sẻ, nhà đầu tư, thị trường nắm rõ thông tin chứ không phải công bố thông tin thuần túy”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án án khả thi; việc xem xét cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay.

Trong quá trình cơ cấu lại nợ, không chỉ khách hàng doanh nghiệp, Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng phải xem xét khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập để cơ cấu lại nợ gồm cả nợ gốc và nợ lãi.

Ngoài ra, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định, trong điều hành chính sách tiền tệ, năm nay Ngân hàng Nhà nước có đủ các công cụ và biện pháp để kiểm soát tốt, giữ các cân đối vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng sẽ công khai các chương trình tín dụng, thủ tục, cải cách thủ tục hành chính để mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Với trách nhiệm đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp và nền kinh tế, VietinBank công bố giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; trong đó, xác định rõ một số lĩnh vực thiết yếu và mức độ giảm lãi suất cao nhất có thể như điện, nước sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh, thuốc bổ… Đó là các đối tượng VietinBank xác định rõ có thể giảm từ 2 - 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của VietinBank.

Đối với các đối tượng còn lại, VietinBank xem xét tùy theo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp để giảm từ 0,5 - 1,5%. Với con số tính toán, mức giảm lãi suất, giảm phí như thế thì dự kiện lợi nhuận giảm từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra lúc đầu.  

Theo ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Agribank đã triển khai gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng gói 100.000 tỷ đồng, lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 đến 2,1%.

Ngoài ra, Agribank đã xác định lại toàn bộ phương án tài chính, doanh thu năm nay sẽ giảm 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20%, trích lập dự phòng 16.000 tỷ đồng. Do vậy, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ trích lập dự phòng, phân loại nợ rất khó khăn./.

>>Hà Nội cần khoảng 1 nghìn tỷ đồng bổ sung vốn vay cho hộ nghèo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục