Hạ nhiệt nền kinh tế - mục tiêu của Ngân hàng Dự trữ Australia

05:30' - 11/06/2023
BNEWS Trang mạng The Conversation, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đang muốn hạ nhiệt nền kinh tế hơn nữa để đảm bảo lạm phát sẽ giảm về mục tiêu kỳ vọng.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) Philip Lowe và Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã quyết định tăng lãi suất thêm một lần nữa - lần thứ 12 chỉ trong vòng 14 tháng – vì họ muốn nền kinh tế Australia giảm tốc nhiều hơn.

Trước đó, giá nhà ở giảm vào giai đoạn sau khi RBA bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 5/2022, một vấn đề mà ngân hàng trung ương Australia đã lưu ý trong tuyên bố mới nhất của mình. Tuy nhiên, giá nhà đã tăng trong 3 tháng liên tiếp – từ tháng 3 đến tháng 5/2023. 

Trước đó, vào tháng 11/2022, RBA dự đoán tăng trưởng việc làm hàng năm sẽ đạt 1,4% trong năm tài chính 2023-2024, nhưng trên thực tế con số này đã đạt 2,9%. Trong tháng 4/2023, số người có việc làm ở Australia tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Đây không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế suy thoái, và do vậy RBA muốn hạ nhiệt nền kinh tế hơn nữa để đảm bảo lạm phát sẽ giảm về mục tiêu kỳ vọng.

Dựa trên Tuyên bố về việc thực hiện chính sách tiền tệ giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia vào năm 2016, Thống đốc RBA sẽ phải thực hiện cam kết từng bước đưa mức lạm phát trở về mức trung bình là 2–3%.

Nhiều hộ gia đình gặp khó 

Các thành tố trong nền kinh tế đang chững lại. Tuyên bố của RBA cho rằng “chi tiêu hộ gia đình đã có sự chững lại đáng kể” nhưng mối lo ngại của RBA là “sự chững lại này diễn ra không đồng đều”. RBA cho rằng trong khi một số hộ gia đình đang “trải qua một đợt siết chặt chi tiêu khó khăn”, thì những hộ gia đình khác lại tích cóp được một “khoản tiết kiệm đáng kể”.

Những người gặp khó khăn là 35% hộ gia đình đang phải vay thế chấp. Bên cạnh đó, có 31% hộ gia đình đang thuê nhà cũng phải chật vật với vấn đề chi tiêu. Ngược lại, nhiều hộ gia đình sở hữu nhà riêng (chiếm 31%) vẫn hoàn toàn có tình trạng tài chính ổn định.

Kể từ khi RBA bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 5/2022, lãi suất thông thường đối với một khoản vay thế chấp đã tăng gấp đôi – từ 2,7% lên 5,4%, có nghĩa là một người có khoản vay thế chấp 600.000 AUD (khoảng 400.000 USD) sẽ phải trả thêm 1.000 AUD/tháng cho số tiền trả nợ của mình. Với quyết định tăng lãi suất lần này, số tiền trên sẽ tăng thêm 90 AUD/tháng. Trong khi đó, giá nhà đã tăng trở lại.

Phản ứng của RBA  

RBA đã đẩy lãi suất lên mức kỷ lục mới trong vòng 10 năm, đồng thời phát đi tín hiệu cho rằng họ có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa. RBA cho biết có thể cần phải “thắt chặt hơn nữa” chính sách tiền tệ không phải vì họ không nhận ra rằng nền kinh tế Australia đang chững lại, mà vì RBA muốn đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục chững lại đủ để kiềm chế và hạ nhiệt lạm phát.

Lạm phát hàng năm ở Australia là 7% tính đến tháng 3/2023 và 6,8% tính đến tháng 4/2023. RBA mong muốn tỷ lệ lạm phát hàng năm tính đến tháng 6/2023 sẽ giảm xuống mức trước đó được dự báo là 6,3% và mức 3% trong hai năm sau đó. Mặc dù có vẻ như mọi thứ đang đi đúng hướng, nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn.

Nếu buộc phải làm điều đó, RBA phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tỷ lệ thất nghiệp của Australia sẽ tăng từ 3,7% lên 4,5% vào cuối năm 2024, điều này có thể khiến thêm 100.000 người bị mất việc. Đây là những gì biên bản của Hội đồng quản trị RBA đã dự báo. Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers nhận định rằng nhiều người dân Australia sẽ cảm thấy “khó chấp nhận”. Theo ông Jim Chalmers, nhiệm vụ của RBA là “kiềm chế lạm phát mà không làm suy yếu nền kinh tế”.

Nhận định của Bộ trưởng Chalmers cho thấy Thống đốc Lowe sắp không còn đủ thời gian để kiềm chế lạm phát. Nếu không gia hạn, nhiệm kỳ Thống đốc RBA 6 năm của ông Lowe sẽ kết thúc vào tháng Chín tới. Điều này có nghĩa là Thống đốc Lowe chỉ còn 3 cuộc họp Hội đồng quản trị RBA nữa để đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu 2-3% mà RBA đề ra trước khi ông chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm.

Vào ngày 27/7 tới, ông Lowe sẽ nhận được số liệu chính thức về lạm phát hàng năm tính đến tháng 6/2023. Nếu kết quả là lạm phát không giảm xuống mức 6,3% theo như dự định của RBA, ông có thể sẽ ra quyết định tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng Tám tới.

Mức lương tối thiểu không đáng ngại

Một điều dường như không khiến ông Lowe lo ngại nhiều là quyết định về mức lương tối thiểu toàn quốc do Ủy ban Công bằng việc làm (FWC) công bố hôm 2/6. Mức tăng này được ủy ban trên coi là mức tăng cao hơn lạm phát. Cụ thể là những người lao động được trả mức lương thấp nhất tại Australia - chiếm khoảng 0,7% lực lượng lao động theo số liệu chính thức - có thể được tăng lương tới 8,6%.

Điều mà FWC không nói ra, nhưng Thống đốc Lowe hiểu rõ, đó là không phải ai cũng được hưởng mức tăng lương này. Diện lao động duy nhất nhận được “mức lương tối thiểu” - “thuật ngữ vốn dễ gây hiểu lầm” - là những người chưa được ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp hoặc thỏa thuận cá nhân (theo dự đoán chỉ chiếm 0,7% lực lượng lao động). Trong đó, Ủy ban trên cho rằng khó có thể xác định được ngành nghề hoặc lĩnh vực nào mà nhóm lao động này đang tham gia.

Việc tăng lương đối với nhóm lao động này gần như không có tác động nào đến lạm phát. Phần đầu tiên (tăng 2,7%) chỉ làm thay đổi mức lương đối với nhóm người lao động thuộc nhóm “C14” (lương đào tạo trong ngành kim loại) và nhóm “C13” (lương không đào tạo).

Phần thứ hai của cơ chế tăng lương áp dụng cho tất cả những người nhận tiền thưởng, chiếm khoảng 20,5% lực lượng lao động. Đây là mức tăng 5,75%, thấp hơn nhiều so với lạm phát và theo tính toán của FWC là chỉ làm tăng thêm 0,6 điểm phần trăm vào lạm phát.

Điều đó có nghĩa là việc tăng lương đối với một bộ phận người lao động (được trả lương thấp) vào tháng 7/2023 tới sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực của RBA trong việc giảm lạm phát.

FWC tin rằng người sử dụng lao động có thể trụ được về chi phí. Họ cho rằng thu nhập của người lao động ở các ngành công nghiệp tư nhân (mà người lao động phụ thuộc chủ yếu vào tiền thưởng) “nhìn chung vẫn tốt”, chẳng hạn như các ngành lưu trú, dịch vụ ăn uống và bán lẻ. Đây là những ngành sử dụng 1/3 lực lượng lao động phụ thuộc vào tiền thưởng và đã hưởng lợi nhờ gia tăng đáng kể lợi nhuận.

Kỳ vọng về tiền lương

Mức lương của lực lượng lao động còn lại - những người không dựa vào tiền thưởng – chủ yếu phụ thuộc vào mức độ đàm phán lương và kỳ vọng của người lao động, cũng như phụ thuộc vào mức thù lao mà các doanh nghiệp đề xuất. Đây chính là điều mà RBA đang lo ngại.

RBA đang muốn làm giảm khả năng thương lượng về tiền lương bằng cách đảm bảo rằng chính sách tiền tệ của họ thắt chặt hơn và làm suy giảm việc làm. Và trên hết, RBA muốn đảm bảo rằng lạm phát không ở mức cao và “dai dẳng”, điều mà Thống đốc Lowe đã đề cập 2 lần trong tuyên bố dài 8 đoạn của mình.

Ông Lowe cho rằng nếu lạm phát “cố thủ” ở mức cao thì nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất lớn để giảm lạm phát, lãi suất sẽ cao hơn nữa và tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn gia tăng mạnh hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục