Hà Nội chia lộ trình chuyển đổi “xanh hóa” xe buýt

14:57' - 23/08/2023
BNEWS Xác định phát triển xe buýt điện ở Hà Nội là một xu thế tất yếu, Hà Nội đã thí điểm loại hình xe buýt này và đang đánh giá các định mức để có thể áp dụng phát triển rộng rãi trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 2.279 xe buýt, trong đó có 277 xe buýt sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch, đạt 13,6% toàn mạng.

Hơn 2.000 xe còn lại (tương ứng 86,8%) đang sử dụng nhiên liệu diezel cần được thay thế sang sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch.

 

Trong năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chấp thuận cho phép mở mới, đưa vào khai thác 10 tuyến buýt điện, trong đó có tuyến E10, chạy tuyến Khu đô thị Ocean Park-sân bay Nội Bài.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội để mở tuyến xe buýt điện từ nội thành Hà Nội đến sân bay Nội Bài.

Tuyến xe điện đến sân bay Nội Bài đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lập, xe có số ký hiệu E10, bến đầu tuyến là Khu đô thị Ocean Park (Gia Lâm) - sân bay Nội Bài (Sóc Sơn), dài khoảng 35 km.

Theo Quyết định 876/QĐ - TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành Giao thông Vận tải, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Căn cứ kế hoạch lộ trình chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất ngày xe đối với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ngày.

Ngoài ra, thành phố cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, đảm bảo ổn định hàng năm cho mạng lưới xe buýt khi chuyển dần sang xe buýt điện, nhằm ổn định chất lượng dịch vụ mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải báo cáo đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là bố trí ngân sách hỗ trợ cho xe buýt công cộng và ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi vay đầu tư xe buýt điện, hạ tầng phục vụ xe buýt điện; chỉ đạo các công ty điện lực hỗ trợ phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn vận hành các trạm nạp xe điện tại Depot, nhất là các điểm khẩn cấp trên đường.

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.

Theo kế hoạch chuyển đổi dần từ buýt chạy xăng dầu sang buýt điện, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đang rà soát thời hạn tính khấu hao phương tiện để xác định đơn giá khấu hao phương tiện tại quyết định số 1494 của thành phố Hà Nội, đảm bảo thời gian thu hồi đủ vốn đầu tư phương tiện, sau đó sẽ dần thay thế sang xe buýt điện đối với các tuyến buýt đang vận hành.

Để thực hiện mục tiêu “xanh hóa” xe buýt, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất chia lộ trình chuyển đổi, trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2030), xe buýt xanh tại Hà Nội sẽ đạt khoảng 50 - 60%, giai đoạn 2 (từ năm 2030 đến năm 2035), con số này đạt từ 90 - 100%.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tùy thuộc vào điều kiện, nguồn cung cấp năng lượng điện, khí CNG/LNG, thời gian và lộ trình chuyển đổi có thể thay đổi so với dự kiến. Cơ cấu tỷ lệ chuyển đổi của xe buýt điện, xe buýt CNG/LNG trong toàn mạng sẽ được điều tiết, xác định phù hợp theo tình hình thực tế.

Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch đã được quy định tại Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.

Theo đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Mức cụ thể theo từng dự án được UBND thành phố phê duyệt.

Được biết, hiện, UBND thành phố Hà Nội đang giao sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, báo cáo thành phố hướng dẫn thủ tục, quy trình để thực hiện chính sách này.

Để thực hiện mục tiêu  “xanh hóa” xe buýt Thủ đô, Hà Nội đang phải đối mặt với  áp lực về chi phí đầu tư, chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp vận tải…

Trước thực tế này, các chuyên gia giao thông cho rằng cần lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt sử dụng điện và xe buýt sử dụng năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh theo các giai đoạn.

Trong đó, việc chuyển đổi với các tuyến buýt đang khai thác cần thực hiện theo lộ trình, trong đó ưu tiên trước cho các tuyến có phạm vi hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm, nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn nhà ga, bến xe, sân bay, nhất là các tuyến buýt mở mới./.

Xem thêm:

>> Sân bay Nội Bài đưa vào vận hành tuyến buýt điện miễn phí giữa hai nhà ga T1 và T2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục