Hà Nội chính thức thông xe hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu

09:14' - 05/10/2022
BNEWS Hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 có chiều dài 475 m, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng đã hoàn thành sau 2 năm thi công.

Sáng 5/10, hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu là công trình giao thông trọng điểm của thành phố đã chính thức thông xe. Hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 có chiều dài 475m, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng đã hoàn thành sau 2 năm thi công.

Sau khi hoàn thành, tại nút giao thông này có 3 tầng xe chạy sẽ giải quyết tình trạng xung đột giao thông kéo dài tại khu vực nút giao và ô nhiễm môi trường trong đô thị, từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch được duyệt tại Hà Nội.

 

Anh Đoàn Tuấn ở Khu tập thể Nhà máy Công cụ số 1 bày tỏ, trước đây, đặc biệt khi công trình đang thi công, vào khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều, người đi xe máy phải nhích từng chút mới có thể vượt qua khu vực này. Còn ngày mưa gió thì cả biển người như bị chôn chân dưới mưa. Hy vọng công trình hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu thông xe sẽ giải tỏa ách tắc khu vực này.

Sau khi thông xe hầm chui Lê Văn Lương, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công dự án hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng, đoạn tuyến đi ngầm duy nhất của cả dự án Vành đai 2,5, góp phần duy trì sự liền mạch, kết nối cho toàn tuyến.

Dự kiến, ngày 10/10 tới đây, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng hầm chui nút giao đường Giải phóng - Kim Đồng với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thời gian xây dựng từ năm 2022 - 2025.

Theo đó, hầm chui Kim Đồng sẽ có quy mô 4 làn xe; tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890m. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A, cách điểm giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460m, thuộc địa phận quận Hoàng Mai; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460m.

Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe, rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn. Đường gom dọc hai bên hầm phía phố Định Công không giao cắt với đường Giải Phóng, bố trí nhánh vòng quay đầu trên đỉnh hầm.

Đường gom dọc hai bên hầm phía Kim Đồng giao cắt với đường Giải Phóng, bố trí nhánh rẽ vòng quay đầu trên đỉnh hầm; các tuyến đường gom dọc hai bên hầm, các nhánh rẽ phải tổ chức 2 làn xe. Phía trên địa điểm hầm chui đi qua là tuyến đường sắt quốc gia cắt ngang, vị trí này cũng rất gần ga Giáp Bát và bến xe Giáp Bát.

Khi hoàn thành, hầm chui sẽ giúp tuyến lưu thông tránh được sự đứt nhịp khi băng ngang đường sắt hay những nút giao đông đúc, phức tạp.

Sau khi hầm chui Kim Đồng và đoạn tuyến Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) - Vành đai 3 hoàn thành, toàn bộ vùng đệm cho cửa ngõ phía Nam thành phố sẽ hình thành mạng lưới giao thông ô bàn cờ, giải quyết hầu như toàn bộ tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào Thủ đô diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tuyến đường như: Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, Giải Phóng…  ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và việc đi lại của người dân.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến tháng 10/2022, toàn thành phố còn 32 điểm nóng ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong hàng loạt các giải pháp được áp dụng để giải quyết ùn tắc giao thông, giải pháp xây dựng hầm chui tại các khu vực lưu lượng giao thông đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc đã và đang được thành phố Hà Nội triển khai, một số công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả “tháo” các điểm nghẽn ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Nhờ xây dựng các hầm chui nên nhiều trục đường có lưu lượng tham gia giao thông đông đã giải tỏa bớt áp lực, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, Trước đây, năm 2016, Hà Nội đã đưa vào hoạt động hầm chui Trung Hòa và hầm nút giao Thanh Xuân phát huy tác dụng giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trên nút giao vành đai 3 Khuất Duy Tiến và đại Lộ Thăng Long.

Trong đó, hầm chui Thanh Xuân được coi là hầm chui thi công phức tạp và khó khăn nhất vì được làm song song với dự án đường sắt trên cao, hệ thống trụ đường sắt đi qua dải phân cách giữa ở hai ống hầm. Cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ, đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại Thủ đô.

Hầm chui Kim Liên - Xã Đàn là hầm chui đầu tiên ở Thủ đô, khánh thành năm 2009 với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, dài 140 m kết nối đường Trần Khát Chân và Kim Liên, Xã Đàn thuộc hệ thống vành đai 1. Hầm được thiết kế mỗi bên có hai làn xe máy, ôtô chạy hỗn hợp.

Theo nhận định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mặc dù, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn từ năm 2012-2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế, số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm giảm từ 67 điểm năm 2013 xuống còn 32 điểm hiện nay nhưng tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra. vào Thủ đô diễn biến phức tạp.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến, trong thời gian tới, để từng bước giải quyết tình trạng quá tải phương tiện tại các tuyến giao thông cửa ngõ, tuyến đường xuyên tâm, trong đó có tuyến Lê Văn Lương, Sở Quy hoạch – Kiến trúc sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải báo cáo thành phố Hà Nội để đầu tư xây dựng các tuyến đường tại các vị trí quan trọng.

Cùng với đó, xem xét lại việc phân bổ lại dân cư cũng như bố trí, tổ chức lại giao thông khu vực đường Lê Văn Lương.

Việc các dự án hầm chui về đích đúng hẹn không chỉ góp phần giải quyết bài toán ách tắc cho Thủ đô mà còn được Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục