Hà Nội chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần gấp 3 lần tháng bình thường

16:32' - 29/12/2021
BNEWS Đến nay, thành phố Hà Nội đã dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với giá trị 39 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng bình thường và có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng giá trị hàng hóa là 18 tỷ đồng.

Sáng 29/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác quý IV/năm 2021 với sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã báo cáo các kết quả thực hiện được trong năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2021 là một năm Hà Nội thực hiện được nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt, nhưng cũng là năm cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết của nhân dân, thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và từng bước ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, xã, phường, thị trấn, khu dân cư…; coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành tập trung chuẩn bị chu đáo các hoạt động phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết cổ truyền an vui, an toàn, tiết kiệm.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, GRDP quý IV của thành phố ước tăng 6,69%, cả năm 2021 ước tăng 2,92%. Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả năm 2021 là 262.984 tỷ đồng, bằng 111,7% dự toán Trung ương giao (104,6% dự toán thành phố giao), bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt 84.773,9 tỷ đồng (không thay đổi so với số đã ước đạt), bằng 87,2% dự toán Trung ương giao (78,1% dự toán thành phố giao).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 4,8% (năm 2020 tăng 4,7%); kim ngạch xuất khẩu tháng 12 ước đạt 1.433 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 của thành phố tăng 1,77% (năm 2020 tăng 2,67%), thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây… Đến ngày 27/12/2021, toàn thành phố giải ngân được 25.384,8 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch vốn thành phố giao và đạt 60,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Toàn thành phố giải ngân tăng thêm được 4.055,7 tỷ đồng so với ngày 30/11/2021.

Về phát triển doanh nghiệp, tính riêng tháng 12, Hà Nội có trên 2.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 46.000 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp; tăng 124% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Còn tính chung năm 2021, Hà Nội ước tính có trên 24.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 345.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn tiếp tục đôn đốc các đơn vị tổng kết tình hình thực hiện Chương trình hành động năm 2021 và xây dựng Chương trình hành động năm 2022.

Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Chương trình hành động của UBND thành phố, nội dung chủ yếu gồm: Bối cảnh tình hình năm 2021 và 6 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành năm 2022.

Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022, gồm: Khắc phục tồn tại, hạn chế và chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm 2021; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội…

Về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hà Nội phấn đấu bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, quan tâm kế hoạch thưởng Tết cho công nhân, người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp...

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô năm 2022 và ban hành kế hoạch tổ chức trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ chào năm mới 2022, chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch bảo đảm vệ sinh môi trường, vận hành hệ thống chiếu sáng, thực hiện trang trí chiếu sáng, trang trí hoa, cây cảnh, duy trì hệ thống thoát nước, cây xanh thảm cỏ trên địa bàn đang quản lý, bảo đảm phục vụ các hoạt động trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Ngày thành lập Đảng 3/2.

Về hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành các kế hoạch bảo đảm nguồn cung, giao nhiệm vụ cho các hệ thống phân phối bảo đảm hàng hóa dịp lễ, Tết. Hiện nay, thành phố đã dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với giá trị 39 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng bình thường.

Có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng giá trị hàng hóa là 18 tỷ đồng. Sở Công Thương cũng kết nối với 53 tỉnh, thành để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ thị trường Tết. Ngoài ra, Sở cũng triển khai bán hàng thương mại điện tử, bán hàng tại các chợ truyền thống, các điểm bán hàng OCOP… để phục vụ nhu cầu người dân.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, bảo đảm vệ sinh thực phẩm; tổ chức tốt giao thông và phương tiện vận chuyển đưa đón người về quê ăn Tết.

Lực lượng Công an thành phố có kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn, tăng cường phòng, chống cháy nổ, đẩy mạnh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đua xe, đốt pháo…

UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trước, trong và sau Tết; tăng cường vận động, tuyên truyền hướng dẫn các chủ kinh doanh, người dân ủng hộ, chung tay cùng thành phố phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K; giám sát chặt chẽ, quản lý, kịp thời hỗ trợ các trường hợp F0 điều trị, F1 cách ly tại nhà theo đúng quy định.

Các quận, huyện, thị xã ở cấp độ dịch số 2, 3 cần nỗ lực phấn đấu, kiểm soát tốt dịch bệnh để lên cấp độ số 1…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục