Hà Nội: Đã xác định được nguyên nhân gây sụt lún đất ở Mỹ Đức

12:06' - 31/05/2016
BNEWS Do hố sụt có quy mô lớn, địa hình thi công phức tạp nên chưa xác định chính xác chiều sâu hang hốc karst tại hố sụt và công tác khảo sát địa vật lý chỉ thực hiện xung quanh hố sụt.
Hà Nội: Đã xác định được nguyên nhân gây sụt lún đất tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Kinh tế đô thị

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sau khi xảy ra sự cố sụt lún đất tại thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Sở đã phối hợp với đơn vị thi công và tư vấn giám sát tổ chức triển khai khảo sát, thăm dò địa chất để xác định nguyên nhân; đề xuất phương án kỹ thuật xử lý khu vực sụt lún (giai đoạn 1).

Báo cáo kết quả khu vực hố sụt của Công ty cổ phần Khảo sát và Xây dựng – USCO (đơn vị thi công) cho thấy, sau khi đo địa vật lý và tiến hành khoan khảo sát 3 mũi khoan ở các vị trí khác nhau xung quanh hố sụt, đơn vị này đã xác định được hình dạng phân bố của hang karst; đồng thời đã thực hiện lấy mẫu và có kết quả phân tích chỉ tiêu cơ lý, thành phần thạch học các lớp đất đá, từ đó tổng hợp phân tích và đánh giá các tác nhân gây ra sụt lún.

Nguyên nhân gây sụt lún được xác định là do sự phát triển và sập mái của hang động karst dưới lòng đất (do mái hang hốc karst rất mỏng và nứt nẻ nhiều, có chỗ không còn lớp đá vôi và trực tiếp là lớp sét).

Tuy nhiên, do hố sụt có quy mô lớn, địa hình thi công phức tạp nên chưa xác định chính xác chiều sâu hang hốc karst tại hố sụt và công tác khảo sát địa vật lý chỉ thực hiện xung quanh hố sụt.

Trên cơ sở đó, Công ty USCO đề xuất phương án trám lấp hố sụt nhằm đảm bảo về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và đã được các nhà khoa học, các cơ quan, ban, ngành thành phố thống nhất.

Cụ thể: Lớp 1 sẽ dùng đá hộc để lấp hố sụt từ đáy hố sụt lên đến mặt đất, trong quá trình lấp đá vào hố sụt đồng thời dùng cát để chèn lấp khe các tảng đá (sử dụng máy bơm để bơm nước và chèn lấp cát vào các khe, kẽ của các tảng đá).

Sau khi lấp hố sụt, đơn vị thi công khoan 1 hố khoan khảo sát địa chất tại tâm hố sụt để xác định địa tầng, đáy hang hốc karst và để tiếp tục đưa ra giải pháp xử lý phần đáy, hang hốc (nếu có).

Lớp 2, sau khi nền bằng lớp đá hộc đã ổn định, không bị sụt lún và xác định được địa tầng đáy hố sụt, tiến hành đổ lớp bê tông M200 dày 300mm lên bề mặt đất để trả lại nền đường giao thông. Kinh phí thực hiện tạm tính khoảng 1 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ tình tình thực tế và kết quả điều tra khảo sát trên, Sở đề nghị UBND thành phố cho phép triển khai xử lý, lấp hố sụt theo phương án trên; cho phép Sở chỉ định Công ty USCO là đơn vị thi công xử lý hố sụt; thẩm định và phê duyệt phương án trám lấp, xử lý khu vực sụt lún tại thôn Hòa Lạc.

Sở cũng đề nghị thành phố chỉ đạo huyện Mỹ Đức và xã An Tiến chủ động phối hợp với đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì cảnh báo, mở rộng hành lang bảo vệ theo phạm vi vùng ảnh hưởng từ hố sụt; cử người trực 24/24h tại khu vực sụt lún, đặc biệt trong quá trình thi công hố sụt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân trong khu vực.

Cũng trong quá trình xử lý sự cố hố sụt, đề nghị UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo xã An Tiến làm việc cụ thể với các hộ dân xung quanh hố sụt để thống nhất và cam kết phối hợp cùng với đơn vị thi công; tuyên truyền và thông báo với gia đình ông Nguyễn Văn Bắc và các hộ gia đình xung quanh khu vực hố sụt về những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với căn nhà 2 tầng và các công trình xây dựng (sập lở, tiếp tục lún nứt…) khi triển khai trám lấp hố sụt lún.

Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 2/4, sau tiếng động lớn, một hố sâu có đường kính gần 10 m đã “nuốt trọn” con đường làng, một số công trình phụ và sân nhà anh Nguyễn Văn Bắc thuộc thôn Hòa Lạc, xã An Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Không có người bị thương trong vụ sụt lún, nhưng một công trình phụ và tường bao của ít nhất 3 hộ dân đã bị sụp đổ; đường bê tông trong làng rộng khoảng 3 m và nhiều cây cối cũng bị kéo theo xuống hố.

Trước đó, địa bàn huyện Mỹ Đức và một số huyện phía Tây Hà Nội cũng từng xảy ra những vụ sụt lún gây thiệt hại lớn. Cơ quan chức năng khi đó đã kết luận, hiện tượng sụt, lún đất là do khoan khai thác nước dưới đất quá mức gây hậu quả nghiêm trọng. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục