Hà Nội đề nghị xử lý chủ đầu tư dự án cố tình chây ì các nghĩa vụ với nhà nước

12:46' - 26/03/2021
BNEWS Trước tình hình nhiều dự án chậm tiến độ, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đang tăng cường thực hiện giám sát về việc quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn

Trước tình hình nhiều dự án chậm tiến độ, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đang tăng cường thực hiện giám sát về việc quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; trong đó có việc đề nghị xử lý kịp thời và xử lý nghiêm những chủ đầu tư cố tình chây ì các nghĩa vụ với nhà nước.

Điển hình, HĐND thành phố đã từng giám sát nhiều lần và có thông báo kết luận về việc quản lý đất tại huyện Mê Linh (Hà Nội), một trong những địa bàn có số lượng dự án chậm tiến độ rất lớn.

Trước đây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và năm 2008 được sáp nhập khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính.

Quỹ đất được quy hoạch dành cho xây dựng các dự án nhà ở, biệt thự, công viên, vui chơi giải trí ở Mê Linh rất lớn với hàng nghìn ha.

Tuy nhiên, sau quy hoạch, cấp đất thì nhiều dự án lớn hàng chục năm qua vẫn để hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất mà vẫn chưa có các giải pháp tích cực để tháo gỡ.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, qua rà soát hiện trên địa bàn huyện có 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai; trong đó, 47 dự án đô thị, 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha.

Có 36 dự án được giao đất để thực hiện đầu tư, 21 dự án chưa được giao đất, 3 dự án được giao đất một phần theo từng giai đoạn.

Dù đã được giao đất thực hiện đầu tư, nhưng mới có 20 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất 1.255,9 tỷ đồng; 26 dự án cơ quan thuế chưa có quản lý thu.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh thì 60 dự án chậm triển khai đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện nay, UBND thành phố đã điều chỉnh chủ trương đầu tư được 7 dự án; còn 53 dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Vấn đề này, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, lĩnh vực quản lý đất đai tại các dự án đã được HĐND thành phố giám sát, chất vấn nhiều lần, nhưng chuyển biến chậm. Việc các đơn vị thực hiện dự án sao cho hiệu quả cũng là vấn đề khó khăn trong thời gian qua.

Vì vậy đây cũng là vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều, nhất là tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Bà Phùng Thị Hồng Hà cho biết thêm, thời gian gần đây mặc dù việc quản lý có nhiều khó khăn, tuy nhiên huyện Mê Linh cũng đã cố gắng trong việc rà soát kỹ, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từng dự án giúp thành phố nắm bắt chính xác để tới đây có những giải pháp tích cực.

Huyện đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố quản lý 4 dự án có quyết định thu hồi; tháo gỡ được 15 dự án có vướng mắc về quy hoạch, hoàn thành giải phóng mặt bằng một số dự án theo kiến nghị.

Bà Phùng Thị Hồng Hà đề nghị huyện Mê Linh tích cực phối hợp với các sở, ngành, tổng hợp các khó khăn vướng mắc để đề xuất, kiến nghị với thành phố.

Tới đây, các ban, ngành và huyện Mê Linh cần tiếp tục xác định rõ ràng trách nhiệm giải quyết các vướng mắc trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của các dự án.

Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường tuyên truyền, công khai, minh bạch các dự án triển khai trên địa bàn để nhân dân biết và giám sát; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án đã được phê duyệt.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đang đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành thành phố sớm tổng hợp các kiến nghị của huyện Mê Linh, tham mưu cho thành phố về quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách.

Đối với nhóm dự án tại huyện này đã có quyết định giao đất, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra chuyên ngành, xử lý kịp thời và xử lý nghiêm những chủ đầu tư cố tình chây ì các nghĩa vụ với nhà nước.

Như TTXVN vừa phản ánh bài “Những 'dự án treo' tại Thủ đô và nỗi lo lãng phí đất đai” phản ánh hàng loạt dự án "nằm trên giấy"; trong đó, tập trung nhiều ở các quận, huyện như: Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án...

Điển hình như các dự án từng gây "tiếng vang" tại huyện Mê Linh với nhiều giao dịch mua bán như Hà Phong, CEO, Cienco 5, Tiền Phong, Quang Minh, Việt Á và một số dự án khác đến nay vẫn án binh bất động nhiều năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục