Hà Nội đề xuất 5 nhóm cơ chế đặc thù xây dựng đường vành đai 4

16:29' - 19/05/2022
BNEWS UBND thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối chủ trì điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và lập dự án thành phần làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt và chấp thuận điều chỉnh dự án.

Chiều 19/5, tại cuộc làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XV thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khoá XV, trình bày báo cáo về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để triển khai thành công và đạt được các mục tiêu đầu tư, cũng như đạt tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội đề xuất 5 nhóm cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội.

Cụ thể là tách dự án tổng thể thành các dự án thành phần và do địa phương quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

 

UBND thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ của toàn dự án. Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối chủ trì điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và lập dự án thành phần làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt và chấp thuận điều chỉnh dự án.

Đối với nhóm 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng cho phép thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đê giải phóng mặt bằng theo quy hoạch được duyệt ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, cho phép đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 3 theo hình thức đối tác công tư - PPP.

Về nguồn vốn đầu tư, thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các hạng mục đầu tư và dự án thành phần trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; cho phép tăng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương để tham gia dự án.

Về cơ chế chỉ định thầu kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự  án thành phần; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng, thực tế đối với các dự án đang triển khai, đặc biệt là như các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, việc thiếu nguồn vật liệu đất cho thi công gây khó khăn lớn cho các dự án, đặc biệt là các dự án có nhu cầu về vật liệu lớn.

Việc cung cấp vật liệu cho dự án có ảnh hưởng đặc biệt lớn đến tiến độ, chất lượng và giá thành của dự án. Theo đó, thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật (tương tự cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội).

Về phát hành trái phiếu Chính phủ để cho vay lại, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân cho các dự án trong giai đoạn năm 2024 - 2025.

Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm cả nguồn thu từ quỹ đất hai bên đường dự án.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, ban hành các kết quả thẩm định số 1437/BC HĐTĐNN ngày 09/3/2022 và số 1951/BC-HĐTĐNN ngày 28/3/2022. Đồng thời chủ trương đầu tư dự án đã được Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Bộ Chính trị tại Tờ trình số 117-TTr/BCSĐ ngày 24/3/2022.

Theo đó ngày 13/4/2022, Bộ Chính trị đã họp và thống nhất chủ trương đầu tư của dự án. Hiện Dự án đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra; trên cơ sở Báo cáo thẩm tra, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện hồ sơ dự án, dự kiến trình Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp tới.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia; hình thức đầu tư là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, bao gồm 3 dự án thành phần thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn của các thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, 3 dự án xây dựng đường song hành triển khai trên địa bàn của thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác PPP.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này khoảng 85.813 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 28.193 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 28.193 tỷ đồng, vốn BOT là 29.447 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2022 - 2026./.

>>>Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Tp HCM

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục